Giải quyết bài toán lao động nông thôn

20/12/2021 - 05:44

 - Những năm gần đây, lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh có sự dịch chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ. Đây là xu thế chung và tất yếu. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Bà Phạm Thị Út (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) sống dựa vào làm thuê theo thời vụ hơn 10 năm nay. Dù tuổi cao, nhưng những lao động như bà Út được nhiều chủ hộ tìm kiếm để làm các việc: Cấy lúa, làm cỏ lúa, làm cỏ vườn, hái ớt… Bà Út cho biết, vào mùa vụ, bà làm liên tục, vì lao động theo các công việc này không còn nhiều, nhờ đó có thu nhập khá. Trong xóm của bà, lao động thời vụ có khoảng 30 người, mỗi nơi thường thuê khoảng 10 người làm.

Đa số lao động làm thuê có độ tuổi từ 40-50 tuổi, trẻ nhất ngoài 30 tuổi. Họ được thuê theo giờ hoặc theo buổi, thu nhập bình quân 120.000 đồng/5 giờ làm hoặc 250.000 đồng/ngày; nếu làm nhiều hơn, cứ mỗi 1 giờ sẽ được trả thêm 30.000 đồng. “Những người trẻ bây giờ đi học hoặc ra ngoài tỉnh làm ở các khu công nghiệp, nên dân bám trụ ở quê chỉ còn người già với mấy công việc giản đơn. Đối với tụi tôi, số tiền kiếm được đủ sống hàng ngày, nhưng thanh niên có nhu cầu nhiều hơn để lập nghiệp nên không ai mặn mà để làm thuê nghề nông” - bà Út trần tình.

Vào cao điểm thu hoạch, nông dân vẫn gặp khó khăn khi tìm lao động làm thuê thời vụ

Vào mùa vụ, nhiều nhà nông phải “đỏ mắt” tìm nhân công làm thuê, trong khi phần lớn lao động thanh niên vì không có thu nhập ổn định lâu dài nên chọn cách “ly hương”. Anh Nguyễn Thanh Tùng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) lấy hoàn cảnh thực tế của mình để lý giải: “Nhà chỉ có 2 công đất của cha mẹ để lại làm vốn sinh nhai, nhưng làm ruộng thì bấp bênh, trồng rẫy không hiệu quả. Tôi và vợ quyết định lên tỉnh Bình Dương làm công nhân, mỗi tháng tiết kiệm được 7 triệu đồng. Số tiền này cao gấp đôi so với lúc còn ở quê làm theo mùa vụ, đồng ruộng đang dần cơ giới hóa, công việc của lao động chân tay trong cảnh ngày làm, ngày nghỉ, ai thuê gì làm nấy, không ổn định”.

Máy móc thay thế sức người khiến lao động thời vụ trở thành dư thừa, trong khi vào giai đoạn cao điểm gieo, cấy, thu hoạch thì khan hiếm lao động làm thuê. Xu hướng này ngày càng tăng, có lúc chủ hộ phải trả tiền thuê khá cao vẫn khó tìm được lao động. Có thời điểm phải chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, giá cả thị trường, chi phí nguyên liệu, lại gánh thêm phí thuê lao động khiến nông dân sản xuất không có lời.

Theo anh Nguyễn Thành Nam, nông dân trồng ớt tại huyện Phú Tân (tỉnh An Giang), kể cả những người trẻ hiện nay chấp nhận gắn bó với nghề nông nghiệp, phần lớn đều có trình độ nhất định, học hỏi nhạy bén từ sách, báo, Internet để ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Làm nông hiện nay khỏe hơn trước rất nhiều, nhờ kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động, sản xuất trong nhà lưới. Tuy sự mới mẻ này chưa bao phủ hết nền nông nghiệp, nhưng công việc còn lại của lao động chân tay chỉ còn cần thiết với những khâu đơn giản. Những người tận dụng thời gian nhàn rỗi, hộ nghèo, không đất sản xuất… mới phải lệ thuộc các công việc này.

Rồi đây những lao động lớn tuổi cũng phải nghỉ ngơi, trong khi người trẻ chọn con đường học tập, làm việc với trình độ tay nghề hoặc chuyên môn cao tiếp tục tăng theo hướng tích cực. Những lao động phổ thông đủ khả năng và sức khỏe vẫn được khuyến khích tham gia vào thị trường lao động có trình độ cao, qua đào tạo để tạo ra thu nhập và đóng góp cho phát triển kinh tế tốt hơn.

Để góp phần giảm tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay, các địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa, giảm bớt lao động chân tay. Tuy nhiên, các nơi áp dụng chưa đồng đều, còn cần thay đổi trong tập quán canh tác của nông dân, tập trung ruộng đất quy mô lớn, thực hiện các mô hình canh tác theo hướng hiện đại.

Bên cạnh ứng dụng máy móc vào sản xuất, cần chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu, chọn lọc và có định hướng phát triển lâu dài. Những người tham gia học nghề sẽ từng bước thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi thói quen lao động theo kinh nghiệm; mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị kinh tế và thu nhập.

Ngoài ra, ở nhiều địa phương đang phát huy hiệu quả của các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp chuyên làm thuê nông nghiệp với giá cả phù hợp và cam kết về chất lượng. Đây là xu thế để nông dân lựa chọn tiếp cận, giải quyết phần nào khó khăn thiếu hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích