An Giang xây dựng nông thôn mới

03/05/2024 - 06:06

 - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại An Giang được triển khai rộng khắp, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và sự hỗ trợ tích cực từ sở, ngành, địa phương. Những kết quả từ chương trình góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nhiều chuyển biến tốt

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, trên cơ sở quy định của Trung ương, UBND tỉnh ban hành Quyết định 10/2023/QĐ-UBND, ngày 23/3/2023 về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao địa phương chủ động phê duyệt danh mục đầu tư, phê duyệt dự án các công trình trên địa bàn xã; tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nguồn vốn.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, tổng nguồn vốn đầu tư công cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở An Giang giai đoạn 2021 - 2025 hơn 3.081 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 822 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 2.259 tỷ đồng.

An Giang có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: TP. Châu Đốc (năm 2017), TP. Long Xuyên (năm 2018) và huyện Thoại Sơn (năm 2018). Có 76/110 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh có 34 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Có 14 ấp tại xã biên giới, xã khó khăn trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn “Ấp NTM”… 

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế - xã hội (KTXH) được quan tâm; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Toàn tỉnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa, kết hợp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Từ đó, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.

Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự xã hội được đảm bảo; hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn vốn lồng ghép, huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân.

Việc đầu tư hạng mục công trình trong xây dựng NTM luôn đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, không để nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong quá trình triển khai, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình hiệu quả được thực hiện, nhân rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh.

Tạo sức bật mới

Nhờ xây dựng NTM, Vĩnh Châu từ xã khó khăn của TP. Châu Đốc ngày nào, nay khởi sắc với những khu dân cư nhộn nhịp; trường học, điện, nước sạch, nhà ở dân cư... được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH. Tương tự, nhiều địa phương trong tỉnh tập trung phát triển NTM gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh, như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển mới khu, cụm công nghiệp, nâng chất sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Qua đó, tạo khí thế mới, nâng cao đời sống người dân, phát triển KTXH.

Tại TX. Tịnh Biên, xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua lan tỏa trong hệ thống chính trị và Nhân dân. UBND thị xã đang phấn đấu nâng 7 xã còn lại đạt chuẩn NTM, góp phần xây dựng Tịnh Biên trở thành đô thị năng động ở vùng biên giới. Các địa phương đang phấn đấu xây dựng NTM, gồm: Vĩnh Trung, An Hảo, An Cư, An Nông, Văn Giáo, Tân Lập. Riêng xã Tân Lợi đang phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao, với 12 tiêu chí, 64 chỉ tiêu đạt chuẩn theo Quyết định 1261/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, điều hành và huy động nhiều nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để xây dựng NTM. Tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu, sự cần thiết phải thực hiện chương trình, nhằm chuyển tải sâu sắc, thiết thực chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, thúc đẩy phong trào thi đua “Tịnh Biên chung sức xây dựng NTM”, tạo động lực để các xã cùng phấn đấu vì sự phát triển chung của quê hương”.    

Mang đặc thù vùng biên giới, xã An Nông thực hiện đạt 16/19 tiêu chí và 53/57 chỉ tiêu xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã An Nông Tống Thành Giang thông tin: “An Nông được UBND tỉnh chọn và đưa vào lộ trình xây dựng xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 2872/QĐ-UBND. Chúng tôi xác định đây là mục tiêu, nhiệm vụ rất quan trọng, quyết tâm hoàn thành đúng theo lộ trình, kế hoạch đề ra. Thời gian qua, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã tập trung lãnh, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, bằng nhiều cách làm phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, đạt được những kết quả tích cực”.

Điểm sáng Thoại Sơn

Thoại Sơn bừng sáng lên trong công cuộc xây dựng phát triển và hội nhập; với những tuyến đường nhựa hóa, rộng mở, thẳng tắp từ đô thị đến nông thôn, thuận lợi giao thương hàng hóa, là động lực phát triển kinh tế, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Thoại Sơn cũng là huyện đầu tiên của cả nước được phong tặng 3 danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2009) và huyện đạt chuẩn NTM (năm 2018).

Quán triệt tinh thần "Xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc", sau khi được công nhận đạt chuẩn huyện NTM, các cấp lãnh đạo huyện quyết tâm xây dựng huyện NTM nâng cao. Cấp ủy Đảng, chính quyền và Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện có đột phá trong điều hành, đổi mới; xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Từ đó, động viên người dân tham gia đóng góp tiền của, công sức, đất đai.

Diện mạo nông thôn Thoại Sơn khởi sắc từng ngày

Hệ thống chính trị ở nông thôn ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo tích cực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương. Các công trình xây dựng đều nằm trong quy hoạch, đảm bảo đúng quy định. Kết cấu hạ tầng KTXH từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được xây dựng, nâng cấp mở rộng, kết nối với đô thị theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển từng bước gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, như: Chế biến nông sản, thủy sản, chế biến sản phẩm từ da, công nghiệp sau thu hoạch phục vụ nông nghiệp... góp phần gia tăng giá trị sản phẩm công nghiệp trên địa bàn. Thương mại - dịch vụ phát triển với tốc độ khá nhanh, chiếm hơn 1/3 nền kinh tế. Thị trường dần được mở rộng, đưa nông sản của huyện nói riêng, của tỉnh nói chung có mặt trên khắp vùng, miền cả nước và xuất khẩu.

Nổi bật là mô hình xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn. Từ năm 2019 đến nay, huyện Thoại Sơn đầu tư xây dựng 77 cây cầu (14 cầu sắt, 41 cầu bê-tông, 2 cầu thép), tổng mức đầu tư trên 121 tỷ đồng (vốn xã hội hóa trên 38 tỷ đồng). Từ đó, đảm bảo nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, nhất là trên tuyến đường nội đồng; góp phần rất lớn trong việc kết nối giao thông giữa nông thôn và thành thị.

Đến nay, hầu hết tuyến đường trên địa bàn huyện, hệ thống cầu, cống được đầu tư xây dựng bằng bê-tông, mặt đường được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa, xe ôtô dễ dàng lưu thông thuận lợi từ trung tâm hành chính huyện đến trung tâm xã, ấp. “Tổ từ thiện tham gia sửa chữa, xây dựng cầu đường, cất nhà cho bà con nghèo… tất cả trên tinh thần tự nguyện. Ai có công góp công, ai có của góp của. Mọi người rất vui khi được đem công sức của mình đóng góp cho xã hội” - ông Nguyễn Văn Sậm (Tổ từ thiện xã Mỹ Phú Đông) cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng NTM nâng cao với đoàn công tác huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) trong chuyến học tập kinh nghiệm xây dựng NTM nâng cao tại huyện Thoại Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà cho biết: "Cần phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, nhất là ban chỉ đạo xây dựng NTM. Phải xây dựng kế hoạch, có giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể, phân công ngành, cán bộ chịu trách nhiệm thực hiện từng tiêu chí. Đồng thời phải kiểm tra, giám sát, thường xuyên đi cơ sở để kịp thời nắm, tháo gỡ khó khăn. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để Nhân dân thông suốt, đồng tình ủng hộ cùng chung tay với chính quyền địa phương đóng góp sức người, sức của xây dựng NTM, bởi người dân là chủ thể của chương trình và là người hưởng lợi trực tiếp".

Ngoài ra, cần kịp thời phát hiện, tuyên dương khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu, động viên, khích lệ tinh thần, nhân rộng phong trào trong Nhân dân. Trong đó, quan trọng là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, sử dụng vốn đúng mục đích, công khai, minh bạch nguồn vốn đóng góp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và Nhân dân…

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Chợ Mới, huyện Châu Thành và TX. Tân Châu), nâng tổng số 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (chiếm 54,5%). Huyện Thoại Sơn phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao.

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 87 xã đạt chuẩn NTM (đạt 79,1%); không bao gồm 2 xã điểm NTM đã được công nhận nhưng đã lên đô thị là thị trấn Hội An (huyện Chợ Mới) và phường An Phú (TX. Tịnh Biên). Số xã đạt chuẩn NTM nâng cao đến năm 2025 là 37 xã (đạt 42,5%). Phấn đấu có ít nhất 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (hơn 10%). Phấn đấu 60% ấp thuộc xã khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí ấp NTM.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của xã NTM đạt 90 triệu đồng/người/năm. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, 100% sử dụng nước hợp vệ sinh...

HỮU HUYNH - THANH TIẾN - PHƯƠNG LAN