Tự hào truyền thống vẻ vang
Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ra số đầu tiên - đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. 98 năm qua là chặng đường lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng... Đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta”. Người cho rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Vì vậy, sứ mệnh của người làm báo vô cùng ý nghĩa, tự hào nhưng cũng đầy gian nan, thử thách.
Báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng, là kênh thông tin chính thống; tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; là cầu nối giữa Đảng, nhà nước và nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển toàn diện về tính chất, quy mô và vị thế. Các thế hệ người làm báo không ngừng phát triển, giàu bản sắc dân tộc, hội nhập tự tin với báo chí và truyền thông quốc tế, góp phần khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam.
Từ số lượng phát hành khiêm tốn, với cách làm báo đơn sơ gần 1 thế kỷ trước, đến nay, số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ làm báo trong cả nước đã phát triển mạnh mẽ với trên 40.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đủ mọi loại hình từ truyền thống đến hiện đại. Các thế hệ nhà báo cách mạng - những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, được Đảng, nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh.
Phụng sự quê hương, phục vụ nhân dân
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự quản lý, điều hành của chính quyền, những năm qua, báo chí An Giang có bước phát triển mạnh mẽ, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong tỉnh đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh nhà.
Cùng với sự phát triển chung của cả nước, diện mạo, số lượng, chất lượng, các ấn phẩm báo chí của An Giang ngày càng cải tiến và chuyên nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ quan báo chí (Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang và Tạp chí Thất Sơn); 2 Cổng thông tin điện tử tỉnh, 33 cổng thành phần, 11 đài truyền thanh cấp huyện, 156 đài truyền thanh cấp xã; gần 200 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhà báo chuyên nghiệp và đông đảo đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền.
Đây chính là lực lượng tiên phong, phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt đời sống xã hội và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhũng nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những thành tựu trong công cuộc đổi mới; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.
Nhiều tác phẩm báo chí của An Giang đã đạt giải cao trong toàn quốc, khu vực, từng bước đáp ứng xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong 5 năm qua, có trên 30 lượt phóng viên Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Tạp chí Thất Sơn đạt giải B, C, khuyến khích của các Giải báo chí quốc gia, “Búa liềm vàng”, “Dân vận khéo”, “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc”, đồng bằng sông Cửu Long… Góp phần định hướng dư luận, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, nhất là ngày càng nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền.
Với tinh thần “Đoàn kết, trí tuệ, dấn thân, cống hiến”, những năm qua, đội ngũ báo chí trong tỉnh dù bất cứ hoàn cảnh nào vẫn yêu nghề, nhiệt huyết, trách nhiệm. Các tác phẩm báo chí không ngừng được sáng tạo, chú trọng nâng chất lượng, đổi mới và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ, đề cao cái tốt, phê phán cái xấu, xây dựng tình yêu quê hương, Tổ quốc, tình yêu thương giữa người với người, trách nhiệm với gia đình và xã hội…
Đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh luôn thể hiện bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, kịp thời thông tin, tuyên truyền trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần định hướng dư luận, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, quê hương An Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh phải đối mặt với đại dịch COVID-19 vừa qua, báo chí tỉnh nhà đã không quản ngại gian khổ, là cầu nối quan trọng giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp chiến thắng đại dịch; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Phóng viên tác nghiệp tại khu sạt lở
Tiếp tục làm tròn sứ mệnh
Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn về vai trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam, mỗi người hoạt động báo chí là một chiến sĩ cách mạng, “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải “Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.
Tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà báo cách mạng lại càng phải có bản lĩnh cách mạng, giữ vững vai trò định hướng thông tin, đồng thời đáp ứng tốt nhất quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nói cách khác, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân; là tinh thần tự đổi mới, tự hoàn thiện chính bản thân mình”.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, những người làm báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí trong tỉnh cần phát huy mạnh mẽ những truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam. Người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc; luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, theo lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ lựa chọn.
Đội ngũ báo chí tỉnh nhà cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc, quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng, là tiếng nói của nhân dân, là diễn đàn rộng lớn mạnh mẽ của nhân dân trên mặt trận tư tưởng, chính trị, văn hóa. Bằng sự tìm tòi, khám phá sáng tạo của người viết, sự trung thực, nhân văn, bằng những tác phẩm báo chí xuất sắc, các nhà báo sẽ góp phần đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt vì sự nghiệp cách mạng. Tiếp tục tuyên truyền những kinh nghiệm tốt, bài học hay, biểu dương, tôn vinh và lan tỏa nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến.
Đặc biệt, từ phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, đội ngũ những người làm báo cần nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước và tỉnh nhà. Đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy giá trị văn hóa, tạo ra sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam và của vùng đất, con người An Giang.
Mong rằng, đội ngũ báo chí tỉnh nhà tiếp tục giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết, xứng đáng là “những chiến sĩ cách mạng”, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh, xây dựng An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), thân ái chúc toàn thể các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong và ngoài tỉnh luôn cháy mãi ngọn lửa đam mê, “tâm sáng, bút sắc, lòng trong”. Mỗi tác phẩm báo chí sẽ lan tỏa niềm tin, truyền cảm hứng, thắp sáng những điều tốt đẹp, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
TS Lê Hồng Quang
(Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang)