Giúp nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

28/07/2020 - 09:21

Xác định việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật là “chìa khóa” giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, các ngành chuyên môn từ tỉnh đến địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao kỹ thuật mới, hỗ trợ thực hiện mô hình hiệu quả, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Nhờ vậy, bà con nông dân ở nhiều địa phương đã áp dụng thành công vào sản xuất, nâng cao thu nhập.

Khuyến nông hiệu quả

Trong các chương trình trồng lúa, phát triển rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản… hoạt động khuyến nông An Giang đã giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, xây dựng các mô hình đa canh, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, hoạt động khuyến nông tập trung vào các loại hình tập huấn, trình diễn kỹ thuật, tham quan, hội thảo… chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến tận đồng ruộng, nâng cao kiến thức cho nông dân. Các điểm “Cà phê khuyến nông” đã được thực hiện và duy trì ở các địa phương, càng tạo thuận lợi hơn cho bà con nông dân tiếp cận, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. Đây là những địa điểm hữu hích cho các hoạt động tuyên truyền, triển khai các chương trình, đề tài, dự án về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Việc tổ chức những buổi hội thảo liên quan đến các mô hình được nông dân quan tâm, như: trồng nấm rơm trong nhà bằng nguyên liệu rơm phối trộn với 30% nguyên liệu bông vải; trình diễn các giống đậu (đậu xanh, đậu đỏ…) trên vùng đất lúa kém hiệu quả; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để cải thiện năng suất lúa ở vùng sản xuất lúa kém hiệu quả; mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp ứng dụng chế phẩm sinh học; nuôi cá lóc trong ao bằng thức ăn công nghiệp kết hợp với nuôi cá trê; nuôi heo rừng lai sinh thái trong vườn; nuôi vịt xiêm trên đệm lót lên men…

Nhờ tham gia các buổi hội thảo chuyển giao kỹ thuật, giới thiệu mô hình hiệu quả, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn tổ chức những điểm trình diễn kỹ thuật, mô hình mới để giúp nông dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng vào sản xuất. Thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú phối hợp Ban Quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang (VnSAT) thường xuyên triển khai các lớp tập huấn về mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cho nông dân ở các xã: Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thạnh Trung, Ô Long Vĩ... Qua đó, nhận được sự tham gia và đánh giá rất cao của bà con nông dân tại địa phương. Những nông dân tham gia mô hình đều có chung nhận xét, nếu áp dụng đúng với những yêu cầu kỹ thuật đã được hướng dẫn thì hiệu quả hơn, lúa ít bị sâu bệnh, tiết kiệm được chi phí sản xuất so với canh tác lúa theo kiểu truyền thống.

Đồng hành cùng nông dân

Thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành đã tích cực chuyển giao những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới cho bà con nông dân, nhất là các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai đa dạng trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi khác nhau. Đặc biệt là chuyển giao những mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Điển hình như: mô hình trình diễn trồng nấm rơm dạng trụ; mô hình trồng măng tây xanh; mô hình trồng đậu nành rau; mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp ứng dụng chế phẩm sinh học; mô hình nuôi lươn không bùn với mật độ cao…

Với mô hình trồng măng tây xanh, Châu Thành là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai cho nông dân canh tác từ thử nghiệm đến canh tác thực tế. Trước đó, cây măng tây xanh được trồng ở xã Bình Thạnh, nay được mở rộng đến xã Hòa Bình Thạnh. Sau thời gian trồng, ngoài đạt năng suất cao, cây măng tây xanh được người tiêu dùng đánh giá là có chất lượng thơm, ngon. Theo kỹ sư Phạm Thị Như (cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành) cây măng tây xanh được trồng ở xã Bình Thạnh từ năm 2017, nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm cho địa phương. “Từ những kết quả thu được, cây măng tây xanh ngày càng khẳng định tính thích nghi tốt với điều kiện sinh thái của địa phương. Đây là loại cây trồng triển vọng, nếu đầu ra ổn định thì hoàn toàn phù hợp để bà con nông dân mở rộng quy mô sản xuất” - chị Như thông tin.

Việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều nông hộ trong sản xuất, giúp họ nắm vững kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn, công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích