Gỡ khó giá vật tư nông nghiệp

05/01/2023 - 05:36

 - Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) “sốt giá” là vấn đề được nhắc đến liên tục nhiều tháng qua. Bởi đây là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, giá các loại phân bón biến động, trong đó, mức tăng cao nhất là NPK, U-rê... (tăng từ 2 - 2,5 lần so với thời điểm đầu năm 2021). Không chỉ phân bón, giá thuốc BVTV cũng tăng từ 50-80% so với các vụ trước. Đây là những mặt hàng đầu vào mang tính thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, tăng giá vật tư nông nghiệp làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp liên tục “nhảy múa” kéo theo hệ lụy trên thị trường là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng gia tăng.

Trong tháng 1/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tập huấn kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thủy sản, phân bón, thuốc BVTV. Thông qua đó, phát huy vai trò của hệ thống cửa hàng, cơ sở buôn bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong hệ sinh thái chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững. Việc nắm vững và chấp hành nghiêm quy định trong sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp là cơ hội để chia sẻ khó khăn, đồng hành với nông dân, ổn định giá cả nông nghiệp.

Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng khiến nông dân gặp khó

Tại lớp tập huấn, nhiều đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp cấp 1 có ý kiến xoay quanh khó khăn vì giá phân bón, thuốc BVTV lên cao, thậm chí hàng kém chất lượng mà cửa hàng không biết được. Qua đó, đề nghị ngành nông nghiệp cần kiểm tra chặt chẽ hơn nữa, để công ty sản xuất phân bón, thuốc BVTV đăng ký thông tin, chất lượng rõ ràng. Trong phân bón có nhiều hoạt chất khác nhau, một số công ty chỉ dán nhãn phụ mà không in trực tiếp trên bao bì, xem như không cố định.

Điển hình, bao bì phân bón ghi là hoạt chất Kali, Silic 61%, tuy nhiên trong đó chỉ có 30% Kali, còn lại 31% Silic và được bán với giá Kali 61%... Nông dân sẽ khó phân biệt được, mua về sử dụng, chất lượng không đạt như mong muốn. Trường hợp vi phạm như vậy phải phạt ở mức cao nhất, để có tính răn đe, bảo vệ nông dân tốt hơn.

Ông Hải (chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở huyện Thoại Sơn) chia sẻ: “Chỉ như vậy, các cửa hàng kinh doanh mới đồng hành đảm bảo cho nông dân sản xuất hiệu quả. Nông dân muốn trúng mùa được giá, nhưng nếu mua nhầm phân bón kém chất lượng thì rau màu không đạt, cây lúa thất mùa, không được giá, nông dân càng thua lỗ, ảnh hưởng đến cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp”.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tăng cường thanh, kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý cơ sở kinh doanh, buôn bán có dấu hiệu nâng giá bất hợp lý, bán vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng. Một số công ty lưu hành phân bón chia nhỏ lô hàng thành nhiều ngày sản xuất, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp.

Việc kinh doanh thuốc BVTV và phân bón có nhãn sai là lỗi vi phạm phổ biến (35 trường hợp), chủ yếu là sai hình ảnh, hiệu thuốc, phân bón. Đặc biệt, tình trạng cùng 1 tên thương mại thuốc BVTV hoặc phân bón nhưng được làm nhãn hiệu khác nhau cho mỗi công ty thương mại, gây hiểu nhầm là sản phẩm khác nhau.

Năm 2022, công tác kiểm định chất lượng vật tư nông nghiệp rất được quan tâm, với 144 mẫu được thu thập và kiểm định. Trong 56 mẫu phân bón, có 34 mẫu đạt, 21 mẫu không đạt, 1 mẫu chưa có kết quả; 53 mẫu thuốc BVTV có 49 mẫu đạt, 4 mẫu không đạt…

Theo Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT  An Giang Trần Thanh Hiệp, nội dung vi phạm phát hiện qua kiểm tra thường là kinh doanh thuốc BVTV giả không có giá trị sử dụng; chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; không có quyết định lưu hành; nhãn ghi thông tin không đúng bản chất sự thật… Lực lượng chức năng phát hiện 2 vụ kinh doanh phân bón giả, đã chuyển hồ sơ đến cơ quan thực thi pháp luật xử lý.

Theo Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Nguyễn Văn Hiền, trước tình hình phân bón lên giá, các đại lý kinh doanh phân bón, thuốc BVTV đồng hành cùng ngành nông nghiệp, hỗ trợ nông dân sử dụng phân bón đúng thực hiện quy trình, giảm thuốc, giảm phân bón, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, giảm chi phí trong sản xuất… Như vậy, khi nông dân sản xuất hiệu quả sẽ có nguồn thu cho đại lý, đôi bên cùng có lợi.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, tăng cường quản lý dịch bệnh tổng hợp trên cây trồng, sử dụng hợp lý lượng phân bón, thuốc BVTV; sử dụng phế phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt ủ phân hữu cơ để tiết giảm chi phí. Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ tháo gỡ một phần khó khăn khi giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. 

ÁNH NGUYÊN