Gợi mở kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

12/01/2023 - 04:43

 - Trồng bắp bán trái non, lấy thân cây bắp nuôi bò, rồi lấy phân bò ủ thành phân hữu cơ bón cho bắp, mô hình tưởng như đơn giản do Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) An Giang thực hiện lại mang hiệu quả cao. Từ đó, gợi ý nhân rộng và triển khai thêm nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Từ sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông An Giang, Chi cục CN&TY đang chủ trì thực hiện mô hình “Chăn nuôi bò thịt tuần hoàn tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành viên hợp tác xã (HTX) tại xã Mỹ An (huyện Chợ Mới)”.

Mô hình do tác giả Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Chi cục CN&TY An Giang) làm chủ nhiệm; đối tượng được hỗ trợ (chủ đầu tư mô hình) là 2 hộ chăn nuôi bò thịt có trồng bắp thu trái non, gồm 1 hộ thuộc HTX Nông sản GlobalGAP Mỹ An và 1 hộ nông dân tại xã Kiến Thành (huyện Chợ Mới). Mô hình triển khai từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023.

Trong tổng kinh phí thực hiện gần 843 triệu đồng, nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 192 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn đối ứng từ hộ nông dân được hỗ trợ.

Bắp phát triển tốt nhờ bón phân hữu cơ

Theo tác giả Nguyễn Thị Hoàng Oanh, mô hình nhằm ứng dụng chăn nuôi bò thịt tuần hoàn để xử lý phụ phẩm nông nghiệp, chất thải trong quá trình sản xuất chăn nuôi thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, cải tạo đất, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.

Mô hình đặt mục tiêu tăng trọng bò thịt trong 6 tháng đạt trung bình từ 0,7-1,1kg/con/ngày. Trong đó, tăng trọng trong thời gian nuôi vỗ béo (3 tháng cuối trước khi xuất chuồng) đạt từ 1,1-1,2kg/con/ngày. Đồng thời, giảm lượng phân bón vô cơ cho 1ha ruộng trồng bắp thu trái non tại 2 hộ chăn nuôi khoảng 25%.

Hiện nay, 2 hộ tham gia mô hình chăn nuôi tuần hoàn đang thực hiện nuôi 14 con bò thịt, trồng 1ha bắp thu trái non để cung ứng cho HTX Nông sản GlobalGAP Mỹ An. Các hộ được trang bị máy cắt nhỏ thân cây bắp; hệ thống phun sương làm mát chuồng nuôi; hệ thống nước uống sạch; thức ăn hỗn hợp cho bò giai đoạn vỗ béo; bắp ủ chua; vaccine, thuốc thú y; chế phẩm sinh học Sagi Bio…

Các hộ được hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện quy trình chăn nuôi tuần hoàn. Phân bò được thu gom hàng ngày và ủ với chế phẩm sinh học Sagi Bio, sau đó bón cho ruộng bắp thu trái non. Các hộ được hướng dẫn quy trình kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ để thay thế dần phân vô cơ trong trồng bắp thu trái non, vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm bắp và thân thiện môi trường. Thân cây bắp sau khi thu trái non được cắt nhỏ bằng máy, trở thành nguồn thức ăn, dinh dưỡng cho đàn bò.

Ủ phân bò bằng chế phẩm sinh học

Cùng với xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, Chi cục CN&TY An Giang còn tổ chức hội thảo gắn kết người chăn nuôi và các đơn vị tiêu thụ. Theo đó, hộ chăn nuôi mua bò giống tại cơ sở cung cấp giống, bán bò nuôi trong tỉnh. Những hộ chăn nuôi cùng mua thức ăn hỗn hợp bổ sung cho đàn bò tại một điểm bán (đại lý) để được giá ưu đãi, giảm chi phí chăn nuôi.

Trong khi đó, diện tích trồng bắp thu trái non tại các hộ chăn nuôi được tính toán, bố trí trồng theo từng đợt đảm bảo cung cấp đủ lượng thức ăn cho bò quanh năm. Khi bò nuôi đến thời điểm xuất chuồng, hộ chăn nuôi có thể bán bò cho cơ sở, đơn vị thu mua theo hợp đồng đã ký hoặc có thể lựa chọn thương lái thu mua theo nhu cầu; giá bán bò hơi, hình thức định giá (bán bò đứng, bán theo trọng lượng bò xác định bằng cân điện tử) theo thỏa thuận giữa người nuôi và thương lái.

Đối với bắp, HTX Nông sản GlobalGAP Mỹ An đang thực hiện cung cấp bắp non cho Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Công ty đang có nhu cầu mở rộng vùng trồng cây nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến nên đầu ra đối với bắp non hiện nay rất ổn định, có khả năng phát triển trong thời gian tới.

Theo tác giả Nguyễn Thị Hoàng Oanh, mô hình chăn nuôi tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp dồi dào tại địa phương làm thức ăn chăn nuôi bò thịt, đồng thời sử dụng sản phẩm xử lý chất thải trong chăn nuôi làm nguồn phân bón cho ruộng bắp thu trái non, tăng hiệu quả kinh tế tại những hộ chăn nuôi kết hợp trồng bắp thu trái non tại huyện Chợ Mới.

Về mặt xã hội, giúp hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên và người lao động ở nông thôn có thu nhập ổn định, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Người chăn nuôi tham gia thực hiện mô hình được hướng dẫn giải pháp xử lý môi trường chăn nuôi nhằm giảm thiểu mùi hôi chuồng trại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng chất thải sau xử lý làm nguồn phân bón cho cây trồng, cải tạo, nâng cao dinh dưỡng cho đất.

Đối với những hộ vừa chăn nuôi bò thịt, vừa trồng bắp thu trái non, khi áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, hiệu quả kinh tế tăng khoảng 29% so với những hộ không áp dụng. Mô hình phù hợp với những hộ nuôi bò thịt với quy mô đàn từ 6 con trở lên, có diện tích đất đủ để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà ủ phân, ủ chua thân cây bắp; có vốn đối ứng để thực hiện xây dựng mô hình…

NGÔ CHUẨN