Hiệu quả mô hình trồng hoa

18/03/2024 - 06:57

 - Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã tận dụng diện tích đất vườn tạp, đất canh tác lúa kém hiệu quả, đất trống quanh nhà… để phát triển mô hình trồng hoa. Nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả ra đời, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống…

Gần 20 năm trước, cây hoa cúc có xuất xứ từ TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được một số hộ dân xã Hòa Bình tiên phong trồng thử nghiệm. Thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng mới, nông dân địa phương mạnh dạn chuyển từ trồng lúa, rau sang trồng hoa. Điển hình có gia đình ông Huỳnh Văn Thảo (ngụ ấp An Thạnh).

Ông Thảo cho biết, kinh tế gia đình trước đây chủ yếu dựa vào 2 công đất ruộng trồng lúa. Nhưng cây lúa không mang lại lợi nhuận cao, trong khi chi phí phân bón, thuốc trừ sâu ngày càng tăng, lại thường chịu cảnh “được mùa, mất giá” nên mong muốn tìm loại cây trồng khác thay thế.

Nhận thấy nhu cầu của thị trường tăng cao về các loại hoa, đặc biệt là hoa cúc, ông Thảo quyết định trồng loại cây này. “Sau thời gian trồng thử, tôi nhận thấy mô hình hoa rải vụ có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện canh tác của gia đình. Vì vậy, những năm gần đây tôi chỉ trồng các loại hoa này” - ông Thảo tâm sự.

Trồng hoa rải vụ giúp nhiều nông dân Chợ Mới nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống

Theo ông Thảo, trồng hoa rải vụ tương đối dễ, thị trường tiêu thụ rất mạnh, nhất là vào các dịp lễ, ngày rằm... Tuy nhiên, việc trồng quanh năm cũng gặp nhiều khó khăn. Mùa nắng, cây kém phát triển, nên phải tưới nước thường xuyên. Trong khi mùa mưa phải chăm sóc thật kỹ, bởi nước thoát không kịp có thể gây chết cây. “Cây hoa cúc từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 35 ngày. Bình  quân mỗi năm, gia đình tôi cung cấp cho thị trường khoảng 50.000 - 60.000 cây hoa cúc các loại. Sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 100 triệu đồng/năm” - ông Thảo thông tin thêm.

Ở cùng địa phương, bà Trương Thị Trường cũng mạnh dạn trồng hoa rải vụ. Bà Trường cho biết: “Tận dụng quỹ đất, nhân công và nhu cầu của thị trường, tôi tiến hành trồng luân phiên. Với 2 công đất, chia làm 3 luống, mỗi luống xuống giống cách nhau 15 ngày. Nhờ vậy mà trong những dịp rằm, tôi đều có hoa cung cấp cho thị trường. “Mỗi cây hoa cúc có giá từ 5.000 - 7.000 đồng. Mỗi luống trồng khoảng 3.000 cây. Sau khi trừ chi phí, mỗi luống lãi khoảng 3 triệu đồng”.

Bà Trường cho biết thêm, so với các loại cây trồng khác, trồng cúc tuy vất vả, đòi hỏi quá trình chăm sóc tỉ mỉ nhưng rủi ro không nhiều, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật nên khi trồng hoa cúc khá thích nghi với điều kiện và thổ nhưỡng nơi đây. Cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, đạt chất lượng cao…

Tại xã An Thạnh Trung, gia đình anh Nguyễn Đức Thắng lựa chọn cây hoa sứ để phát triển kinh tế. Anh Thắng cho biết, những năm gần đây, nhu cầu của người dân về loại hoa này ngày càng tăng. Từ thực tế đó, anh Thắng đã tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật để phát triển loại cây trồng này. Mô hình đã giúp gia đình anh Thắng có nguồn thu nhập ổn định. “Thời gian đầu, tôi chỉ mua một ít cây giống về trồng. Sau thời gian chăm sóc, cây phát triển, ra hoa, kết trái, nên tôi tiếp tục sử dụng hạt để nhân giống cho vườn cây của mình” - anh Thắng chia sẻ.

Theo anh Thắng, hoa sứ dễ trồng, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật và công chăm sóc. Cây sứ không kén đất và chịu được khí hậu khô hạn, nên có thể trồng ở nhiều vùng đất khác nhau. “Cây sứ được trồng bằng cách gieo hạt. Sau 1 tháng, cây phát triển bằng 1 ngón tay, thì bắt đầu chuyển sang chậu. Khoảng 6 tháng tiến hành thay chậu 1 lần để cây sinh trưởng và phát triển. Thời điểm này, tiến hành cắt tỉa để thân và rễ tạo dáng đẹp hơn. Bình quân mỗi cây trồng khoảng 1,5 năm là có thể bán ra thị trường” - anh Thắng thông tin.

Hiện nay, anh Thắng trồng song song 2 loại cây là sứ thường (loại hoa có 1 lớp cánh) và sứ Thái Lan (hoa có 2 lớp cánh). Theo anh Thắng, sứ Thái Lan với nhiều ưu điểm: Hoa nhiều, màu sắc sặc sỡ, cánh hoa có nhiều lớp... nên được thị trường ưa chuộng.

Để đáp ứng nhu cầu, anh Thắng tiến hành ghép và lai tạo các loại khác nhau. Việc ghép cây khá đơn giản, chỉ cần dùng phôi là gốc của cây thông thường ghép với cành sứ Thái Lan là có thể cho ra các chậu sứ đa dạng về hình dáng, màu hoa, cánh hoa. Giá cây có hoa cánh kép được bán từ 50.000 - 60.000 đồng/chậu, còn hoa cánh đơn được bán với giá 25.000 đồng/chậu. Bình quân mỗi tháng, anh Thắng có thêm thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng…

Đời sống tinh thần người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu sử dụng các loại hoa trang trí trong nhà cũng phát triển theo. Do đó, việc canh tác hoa để phục vụ nhu cầu của khách hàng là hướng đi được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới áp dụng để phát triển kinh tế gia đình.

MINH ĐỨC