Nhà phơi sấy, nhà sấy năng lượng mặt trời để sấy khô cá lóc tại Cơ sở sản xuất khô cá Kim Loan
Bên cạnh đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Nên vấn đề nâng cao chất lượng, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch càng trở nên cấp thiết, nhằm nâng cao chất lượng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Trong số các phương pháp phơi, sấy, bảo quản thực phẩm thì phương pháp sử dụng hiệu ứng nhà kính là kinh tế nhất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để giúp giảm bớt tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng nông sản phục vụ ngành công nghiệp sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của người dân, năm 2018 - 2019, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã xây dựng 2 mô hình nhà phơi sấy năng lượng mặt trời (48m2/mô hình).
Cụ thể, nhà sấy tại huyện Châu Thành, quá trình thử nghiệm phơi một số loại nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến trong nhà sấy cho thấy, đối với ớt khi phơi trong nhà sấy khoảng 24 - 30 giờ, thời gian sấy sản phẩm đạt độ ẩm dưới 7%, giảm được 50% thời gian phơi so với phơi truyền thống, sản phẩm giữ được màu sắc và đảm bảo chất lượng về chỉ tiêu aflatoxin. Đối với khô cá khi phơi trong nhà sấy, sản phẩm đảm bảo được vệ sinh và rút ngắn thời gian phơi từ 30-32%.
Nhà phơi sấy năng lượng mặt trời tại huyện Phú Tân được ứng dụng để phơi bánh phồng. Kết quả thử nghiệm cho thấy, khi phơi với nhà sấy vừa rút ngắn thời gian phơi (34,28%) vừa đảm bảo độ trương nở khi nướng và giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, đối với khô cá khi phơi sấy trong nhà sấy năng lượng mặt trời dùng kệ cố định còn nhiều hạn chế, như: Tầng trên cùng thì nhanh khô, tầng dưới thì ẩm ướt, độ đồng đều không cao, nhiệt độ sấy cao vào buổi trưa dẫn đến màu sắc sản phẩm không như mong muốn.
Để khắc phục hạn chế, năm 2022 trung tâm được Sở Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ “Ứng dụng nhà sấy năng lượng mặt trời sấy nông sản thực phẩm” để sấy khô cá. Trên cơ sở đó, trung tâm đã phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chợ Mới khảo sát lựa chọn cơ sở xây dựng “Mô hình nhà phơi sấy, nhà sấy năng lượng mặt trời để sấy khô cá lóc” diện tích 48m2 (6 x 8m) tại Cơ sở sản xuất khô cá Kim Loan (Chợ Mới). Với một số cải tiến ở hệ thống quạt hút ẩm, quạt đối lưu, cải tiến kệ phơi, cảm biến kiểm soát nhiệt độ phơi...
Kết quả thực nghiệm phơi khô cá đầy hết các kệ với trọng lượng khoảng 540-648kg cá lóc nguyên liệu trong nhà phơi sấy năng lượng mặt trời cho thấy, màu sắc và ẩm độ khô cá tương tự như phơi ngoài trời, nhưng chỉ cần phơi 2 ngày so với phơi 3 ngày ngoài trời, rút ngắn thời gian phơi sấy ít nhất 30% so với phơi nắng truyền thống. Khi phơi trong nhà giúp bảo vệ thực phẩm tránh khỏi côn trùng, ruồi nhặng, chuột, bụi bẩn... đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Sau khi tính toán hiệu quả kinh tế của nhà sấy năng lượng mặt trời mang lại, thì việc đầu tư nhà sấy năng lượng mặt trời sẽ làm tăng thêm lợi nhuận hơn 12,9 triệu đồng/tháng. Nếu đầu tư nhà sấy năng lượng mặt trời, chỉ cần hoạt động hơn 10 tháng đã thu hồi được vốn đầu tư (khoảng 135 triệu đồng). Qua đó cho thấy, việc đầu tư nhà sấy năng lượng mặt trời mang lại lợi ích về kinh tế cho các cơ sở sản xuất khô; giúp cho hoạt động sản xuất khô cá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa rút ngắn thời gian phơi sấy, góp phần phát triển sản xuất khô cá bền vững.
Cuối năm 2022, trung tâm đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình. Tại đây, các đại biểu đánh giá cao lợi ích và hiệu quả mà nhà sấy năng lượng mặt trời mang lại, như: Rút ngắn thời gian phơi, giảm công lao động, tạo ra sản phẩm khô an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp tăng năng suất, giảm giá thành... Thấy hiệu quả kinh tế, nhiều cơ sở sản xuất khô đã có mong muốn đầu tư. “Khi đầu tư nhà phơi sấy năng lượng mặt trời sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí”- đại diện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ An Giang chia sẻ.
HẠNH CHÂU