Hội đồng phối hợp liên ngành (PHLN) về TGPL trong hoạt động tố tụng (Hội đồng PHLN) do UBND tỉnh thành lập, theo Quyết định số 2058/QĐ-UBND ngày 19-11-2014 và Quyết định số 1466/QĐ-UBND ngày 12-5-2017.
Theo đó, Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tài chính và Trung tâm TGPL Nhà nước là thành viên hội đồng.
Hàng năm, hội đồng phối hợp liên ngành tổ chức họp đánh giá kết quả hoạt động, đề ra kế hoạch thực hiện, xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các cơ quan liên ngành cấp huyện nhằm rút kinh nghiệm chỉ đạo chung trong tỉnh.
Năm qua, Hội đồng PHLN đã tổ chức 4 cuộc kiểm tra đối với các cơ quan liên ngành cấp huyện. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực hiện nhằm nâng cao chất lượng phối hợp, đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng trong thực hiện.

Tặng bằng khen cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc
Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của hội đồng đã chủ động tham mưu xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch hoạt động phối hợp; thường xuyên rà soát và kịp thời đề nghị UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng ban hành các quyết định bổ sung, kiện toàn hội đồng và Tổ giúp việc đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các ngành thành viên theo quy định.
Các ngành là thành viên Hội đồng PHLN đã nghiêm túc thực hiện tốt nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành mình. Đặc biệt, các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, Trại Tạm giam, Nhà Tạm giữ đã quán triệt cán bộ của ngành mình phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo và đối tượng khác biết về quyền được TGPL, hướng dẫn các thủ tục để được TGPL, cung cấp địa chỉ liên lạc của Trung tâm TGPL.
Với đơn vị Công an tỉnh, Cơ quan điều tra 2 cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tiếp cận với người bị tạm giữ, tạm giam, cung cấp tài liệu, thông tin có liên quan đến vụ án với người thực hiện TGPL.
Thời gian qua, công tác theo dõi, đánh giá, nâng cao chất lượng tham gia tố tụng và quản lý chất lượng vụ việc được Hội đồng PHLN quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Hàng năm, Hội đồng ban hành kế hoạch kiểm tra các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đồng thời nâng cao trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng PHLN về hướng dẫn công tác phối hợp TGPL của ngành mình phụ trách. Qua đó, thực hiện TGPL thông qua hình thức tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng được 139 vụ việc, liên quan 144 đối tượng.
Trong đó, người nghèo là 29 trường hợp, người có công là 33 trường hợp, 56 trường hợp trẻ em chưa thành niên, 8 trường hợp là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật 11 trường hợp... Các lĩnh vực TGPL gồm: hình sự, dân sự, hành chính; giai đoạn tham gia TGPL từ khởi tố, truy tố, xét xử, đại diện ngoài tố tụng.
Là cơ quan giúp việc trực tiếp cho cơ quan thường trực của Hội đồng PHLN và Chủ tịch Hội đồng, Trung tâm TGPL Nhà nước thường xuyên tham mưu các chương trình, kế hoạch hoạt động cũng như các biện pháp cần thiết để giải quyết các vướng mắc, bất cập.
Trung tâm còn là đầu mối liên hệ, trao đổi thông tin với các cơ quan, ban ngành và các cơ quan có liên quan đến hoạt động của Hội đồng và là cơ quan phối hợp trực tiếp, chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, giới thiệu người được TGPL và cử người thực hiện TGPL.
Nhờ xây dựng được cơ chế phối hợp thông tin chặt chẽ nên 100% người được TGPL khi có nhu cầu đều được TGPL miễn phí. Năm 2017, Trung tâm TGPL Nhà nước đã cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng 139 vụ việc (Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) tham gia 99 vụ việc, Luật sư là cộng tác viên tham gia 40 vụ việc). Qua đó, đánh giá chất lượng vụ việc, không có vụ việc nào không đạt chất lượng.
Một trong những hoạt động nổi bật của công tác TGPL trong hoạt động tố tụng là sự tham gia tố tụng của đội ngũ TGVPL. Thời gian qua, đội ngũ TGVPL ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò. Hoạt động tham gia tố tụng của TGVPL đã góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp hội đồng xét xử quyết định những bản án nghiêm minh, công bằng, dân chủ và đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Đó là nhờ sự cố gắng trong việc chủ động nghiên cứu, học hỏi, rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng TGPL, có sự đầu tư theo chiều sâu, đặc biệt TGVPL đều là những người tận tâm với công việc.
Với sự quan tâm kịp thời của các cấp, ngành và với tinh thần chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ công tác phối hợp trong hoạt động TGPL của các thành viên trong hội đồng đã giúp cho hiệu quả hoạt động cũng như nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TGPL trong hoạt động tố tụng được nâng lên đáng kể, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.
PHƯƠNG LAN