Hiệu quả tích cực từ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật

17/10/2019 - 07:57

 - Cứ 2 năm 1 lần, tỉnh tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (gọi tắt là Hội thi) với chất lượng và số lượng tăng lên. Từ kết quả Hội thi cho thấy, phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật có hiệu quả vào sản xuất, đời sống, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Hiệu quả tích cực từ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật

“Máy chặt cây bắp 3 trong 1” của ông Nẽo

Hội thi được triển khai với hình thức rộng rãi, đa dạng cách thức tuyên truyền, vận động và thu hút được nhiều đối tượng tham gia, không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn, thành phần kinh tế. Các lĩnh vực dự thi đều liên quan đến các hoạt động sản xuất và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, hội thi đã được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh tham gia các lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí, tự động hóa, xây dựng, giao thông và vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông - lâm - ngư nghiệp - tài nguyên và môi trường; y - dược; giáo dục và đào tạo.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Phó Trưởng ban Tổ chức hội thi Mai Thị Ánh Tuyết cho biết: “Đa số các giải pháp dự thi được hình thành từ quá trình học tập, nghiên cứu, lao động và sản xuất, nên các giải pháp mang tính thực tiễn, có tính sáng tạo, có hiệu quả kinh tế - xã hội, đã và đang được áp dụng vào sản xuất và đời sống. Qua 2 năm phát động, Hội thi đã nhận được 86 giải pháp tham gia dự thi của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nông dân, công nhân, giáo viên, học sinh... đã có 24 giải pháp đoạt giải”.

Hiệu quả tích cực từ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật

Trao thưởng cho các tác giả đoạt giải

Điều bất ngờ, tác giả đoạt giải nhất (giải thưởng 24 triệu đồng) là nông dân Trần Công Nẽo (ngụ thị trấn An Phú, An Phú) với giải pháp “Máy chặt cây bắp 3 trong 1” đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cấp chứng nhận bản quyền tác giả “Máy cắt cây thân mềm” tháng 9-2019; hiện ông Nẽo đang đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Ông Nẽo có trình độ học vấn lớp 5, xuất phát từ nhu cầu thực tế ông đã nghiên cứu và chế tạo ra sản phẩm áp dụng vào nông nghiệp để phục vụ trong chăn nuôi bò. Chiếc máy có nhiều chức năng như: vừa chặt cây bắp trên ruộng, vừa băm nhỏ và phun vào bao để bán cho các nông trại chăn nuôi bò sữa và bò thịt, nông dân không phải chặt bỏ hay gom đóng lại đốt gây ô nhiễm môi trường. Với chiếc máy này, ngoài băm cây bắp hay giá thể tương tự có thể để ủ làm phân bón hữu cơ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp sạch.

Ông Nẽo chia sẻ: “Thấy nông dân trồng bắp tại địa phương với số lượng nhiều mà thời gian thu hoạch và dọn dẹp ruộng tốn khá nhiều thời gian, sau hơn 2 năm nghiên cứu và hoàn thiện, tôi đã nghiên cứu thành công máy chặt, máy băm và phun xác cây bắp. Tận dụng xác cây bắp băm nhuyễn có thể làm thức ăn cho bò”.

3 giải nhì hội thi với giải pháp “Gia cường đất nền xây dựng nhà ở thấp tầng bằng máy khoan nong cọc xi-măng đất của tác giả Vương Hoàng Trạch (TP. Long Xuyên); “Đổi mới phương pháp dạy tiết thực hành môn hình học khối 6, 7, 8, 9 của một số trường THCS tại huyện Phú Tân năm 2017-2018” của tác giả Nguyễn Hữu Chí (Phú Tân); “Nghiên cứu hiệu quả của phương pháp tạo hình vùng bè chọn lọc bằng lazer điều trị glaucoma góc mở tại Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt An Giang năm 2018” của tác giả Dương Tòng Chinh (TP. Long Xuyên); 5 giải ba và 15 giải khuyến khích.

Ông Nguyễn Hữu Chí (Trường THCS thị trấn Chợ Vàm, Phú Tân) cho biết: “Giải pháp nhằm phát huy các năng lực, kỹ năng sống, tư duy và sáng tạo của học sinh THCS trong việc vận dụng kiến thức môn hình học đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Giáo viên sử dụng được phương pháp giảng dạy toán học thực tiễn trong giảng dạy tiết thực hành hình học. Thông qua các tiết thực hành mẫu theo phương pháp mới cho thấy học sinh đã phát huy năng lực: tự học, tự nghiên cứu, giao tiếp, tính toán, giải quyết các vấn đề và sáng tạo, các kỹ năng sống của học sinh cũng được phát huy rất rõ”.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban Tổ chức hội thi Lê Minh Tùng đúc kết: “Nhiều năm tổ chức Hội thi cho thấy, giải nhất, nhì thường rơi vào lĩnh vực cơ khí, máy móc, vì khả năng ứng dụng thực tiễn rất cao. Các lĩnh vực dự thi không đồng đều, nhất là các giải pháp đề tài nghiên cứu khoa học rất ít tham gia”. Điều trăn trở của Ban Tổ chức cũng như các tác giả: các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ về cải tiến mẫu mã, khởi nghiệp... cho các tác giả đoạt giải với mô hình giải pháp khả thi, để đưa sản phẩm ra thị trường, tạo sự lan tỏa lớn hơn trong xã hội.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

 

 

 

 

Liên kết hữu ích