Hiệu quả tổ hợp tác cấy lúa

20/03/2018 - 07:49

 - Thời gian qua, xã Lê Chánh (TX. Tân Châu) đã triển khai rộng rãi nhiều mô hình, tổ hợp tác sản xuất hướng đến nâng cao chất lượng nông sản, thu nhập cho lao động nông thôn và mô hình Tổ hợp tác (THT) cấy lúa của ông Trần Quang Kiều là một trong số đó.

“Uy tín, chất lượng”

THT cấy lúa Tư Kiều được thành lập từ năm 2009, lúc đầu chỉ có 8 thành viên (TV), đến nay, tổ đã có trên 60 TV. Ông Trần Quang Kiều (Tư Kiều), Tổ trưởng THT cho biết, từ ngày có máy gặt đập liên hợp, lao động cắt lúa ở địa phương không có việc để làm, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế sản xuất, ông Tư Kiều nghĩ đến việc sạ mạ, ông vận động bà con đi theo phụ giúp và tiến tới thành lập tổ cấy lúa. Thời gian đầu, THT của ông Tư Kiều không thu hút được nhiều lao động tham gia, nhiều ý kiến cho rằng tổ sẽ hoạt động không hiệu quả, nguyên nhân do nông dân sản xuất theo tập quán cũ, thích sạ lan và sạ dày, một phần do chi phí cấy cao hơn sạ.

Dần dần, do tình hình dịch bệnh, sâu hại ngày càng nhiều, phong trào trồng lúa Nhật kéo theo nhu cầu cấy mạ tăng cao nên số người tham gia vào tổ ngày càng nhiều.

THT cấy lúa do ông Trần Quang Kiều thành lập

Khi tham gia THT, ông Tư Kiều yêu cầu các TV phải chấp hành đúng quy định của tổ. Để tổ hoạt động hiệu quả, ông Tư Kiều chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 7-8 TV, trong đó có 1 TV làm đội trưởng, mỗi phần đất được thuê cấy, ông phân công 1 đội để làm.

Sau mỗi vụ, ông thu thập ý kiến của chủ đất về chất lượng cấy, thái độ làm việc của các TV trong tổ, từ đó có biện pháp khen thưởng và xử phạt kịp thời.

“Đối với những tổ đã bị chủ đất phàn nàn về chất lượng cũng như thái độ phục vụ, chúng tôi sẽ không giao công việc để làm. Còn đối với những tổ được khen, tôi ưu tiên giao đất để cấy, kể cả đối với thời điểm ít đất được thuê. Nhờ vậy mà các đội đều thực hiện tốt công việc được phân công” - ông Kiều chia sẻ.

Bằng uy tín cũng như chất lượng phục vụ, nhiều nơi ở TX. Tân Châu và một vài địa phương khác của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) biết và liên hệ để nhờ cấy thuê. Theo ước tính mỗi năm, THT cấy lúa Tư Kiều nhận cấy trên dưới 100ha.

Giải quyết việc làm

Bằng sự quyết tâm và chịu khó của các TV, đến nay tổ cấy lúa đã hoạt động có hiệu quả, thu hút được nhiều lao động tham gia. Hiện nay, các TV tham gia tổ đều có việc làm và thu nhập ổn định. Bình quân mỗi ngày, mỗi TV có thu nhập từ 200.000-300.000 đồng (tùy thời điểm).

THT cấy lúa góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhạn (36 tuổi, TV THT) cho biết, trước đây gia đình thuộc dạng khó khăn, không có đất sản xuất, hàng ngày phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Nhờ siêng năng nên ngày nào chị cũng có việc để làm, có hôm đi cấy, có ngày đi làm cỏ… bình quân mỗi ngày chị kiếm được khoảng 70.000-80.000 đồng. Năm 2011, chị tham gia vào THT cấy lúa Tư Kiều, từ đây cuộc sống gia đình chị được cải thiện hơn rất nhiều.

Chị Nhạn cho biết thêm: “Tham gia THT của chú Tư Kiều, tôi được đi làm nhiều hơn, công việc thường xuyên và thu nhập cao hơn so với trước. Nhờ vậy, tôi có thể lo cho 2 đứa con học hành đến nơi, đến chốn”.

Còn chị Võ Thị Cẩm (ngụ ấp Phú Hưng, xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) chia sẻ, mặc dù mang tính chất thời vụ nhưng khi tham gia tổ cấy lúa đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Công việc này không kén lao động, phụ nữ hay đàn ông đều có thể làm được.

Theo chị Cẩm, mỗi vụ đi cấy thường kéo dài khoảng 1 tháng, sau mỗi vụ, chị có thu nhập trên dưới 6 triệu đồng.

Không chỉ tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động, THT cấy lúa mà đại diện là ông Tư Kiều còn đề xuất với Hội Nông dân xã cho các TV trong tổ được vay vốn để mua xe máy làm phương tiện đi lại, làm việc… Từ đó, giúp các TV có điều kiện trang trải cuộc sống, giảm nghèo.

ĐỨC TOÀN