Hiệu quả từ việc liên kết trồng xoài

31/05/2022 - 06:07

 - Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, các hộ trồng xoài khu vực Bến Bà Chi (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã liên kết sản xuất theo hướng VietGAP. Việc liên kết canh tác theo hướng hiện đại tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và trồng xoài VietGAP Bến Bà Chi (HTX Bến Bà Chi) phát triển lên từ Tổ hợp tác làm vườn Bến Bà Chi, với 36 thành viên, tổng diện tích canh tác 60,4ha. Trong đó, 11 thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 20ha. Thời gian qua, nhiều dịch vụ nông nghiệp do HTX triển khai đã giúp thành viên có thêm nguồn thu nhập, qua đó giúp nông dân thấy rõ được hiệu quả kinh tế từ loại hình liên kết, hợp tác sản xuất.

Giám đốc HTX Bến Bà Chi Bùi Văn Quý cho biết, một trong những lợi ích của việc tham gia HTX là quá trình canh tác, thành viên cùng nhau xử lý kỹ thuật để xoài cho trái cùng lúc. Bên cạnh đó, thành viên còn dành nhiều thời gian để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng xoài, như: Chiết cành, ghép cây, kích thích cây ra hoa, đậu trái đúng thời điểm… hay nhắc nhở nhau phải sử dụng thuốc đúng quy định, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Trước mỗi đợt thu hoạch, HTX chủ động liên hệ và đàm phán về giá bán với thương lái. Nhờ thu mua cùng lúc với số lượng lớn, nên giá bán tốt hơn so với từng hộ bán số lượng ít.

Liên kết sản xuất xoài theo hướng VietGAP

Cũng theo ông Quý, một trong những lợi ích khác khi tham gia HTX là thành viên được giới thiệu mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá ưu đãi, không phải trả tiền mặt, đến cuối vụ mới thanh toán cho các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Nhờ vậy, thành viên chủ động được nguồn kinh phí để tái sản xuất cho các vụ mùa tiếp theo.

Khi tham gia vào HTX, các thành viên còn được sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn về nguồn vốn vay, kỹ thuật canh tác, hệ thống hạ tầng canh tác... Trong đó, hỗ trợ mô hình “Tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời trên cây xoài” (tháng 7/2020) từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang với diện tích 4,5ha, tổng chi phí lắp đặt trên 672 triệu đồng. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt giúp gia đình ông Quý tiết kiệm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao lợi nhuận.

HTX Bến Bà Chi còn được cấp mã vùng trồng xoài cát Hoà Lộc với diện tích 20ha. Ngay sau khi được cấp mã số vùng trồng, nông sản được Công ty TNHH Xuất khập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) mua 1 tấn xoài xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Giá công ty thu mua 49.000 đồng/kg, trong khi đó, người dân không tham gia liên kết chỉ bán được với giá từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Ngoài ra, nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ của hội nông dân các cấp, thành viên trong HTX còn được giới thiệu vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh và huyện. Trong 2 năm (2019-2020), giải ngân cho 24 lượt hội viên vay vốn, tổng số tiền 1,3 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này mà các thành viên trong HTX đã mạnh dạn mở rộng đầu tư phát triển sản xuất. 

Hiện tại, HTX Bến Bà Chi đăng ký sản lượng hợp đồng với Công ty thu mua Hiệp Vân 4.000 tấn xoài/năm. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, thương lái ở các tỉnh lân cận đến thu mua với giá khá cao, dao động từ 35.000-45.000 đồng/kg tùy loại, sản lượng trên 15 tấn. Qua đó, giúp thành viên có được cái Tết sung túc và đầm ấm.

Từ hiệu quả hoạt động thực tế của HTX, một số nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Điển hình như hộ bà Trần Thị Hà Giang (ấp An Thạnh) dùng 3ha đất trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan xanh, đem lại thu nhập bình quân cho gia đình bà hơn 200 triệu đồng/năm; gia đình ông Lê Văn Minh (ngụ ấp An Thạnh) trồng bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh… cho nguồn thu nhập ổn định.

Mặc dù hoạt động của HTX Bến Bà Chi hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, như: Nông dân chỉ sử dụng nước mưa để canh tác, do vậy chưa thể chủ động được nguồn nước tưới tiêu. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa nông sản sau khi thu hoạch của bà con còn gặp phải một số vướng mắc nhất định. Việc phát triển sản xuất còn mang tính tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương...

Từ những khó khăn trên, các thành viên trong HTX mong muốn ngành chức năng cùng chung tay tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất. Từ đó, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

ĐỨC TOÀN