Lãnh đạo huyện Tri Tôn, Hội Nhà báo tỉnh An Giang, Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh An Giang đón tiếp đoàn
Theo đó, trong 2 ngày (18 và 19/10), đoàn Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang đã tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, những chứng tích chiến tranh trên địa bàn tỉnh An Giang, như: Đồi Tức Dụp, chùa An Tức (huyện Tri Tôn); Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Đồng thời, làm việc và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với Huyện ủy, UBND huyện, Đài Truyền thanh - Truyền hình và các ban, ngành huyện Tri Tôn; Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí tỉnh An Giang. Đoàn đã được nghe và được chia sẻ công tác tổ chức, quản lý báo chí, công tác hội, định hướng tuyên truyền, hiệu quả triển khai các cuộc thi sáng tác báo chí, sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao hàng năm.
Trong vấn đề nguồn nhân lực, đồng chí Trần Minh Giang- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn chia sẻ: “Được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, nên nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực hoạt động báo chí ở huyện được đảm bảo, hoạt động hiệu quả. Huyện có tổng cộng 24 biên chế trong lĩnh vực truyền thanh, đã góp phần làm cho công tác hội phát triển; có hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đến cấp xã. Ở mỗi xã, huyện bố trí như kiểu cán bộ biệt phái 1 biên chế để giúp địa phương, cũng như huyện kịp thời nắm bắt, chuyển tải thông tin hoạt động của chính quyền, tuyên truyền quảng bá hình ảnh của quê hương đến bạn bè trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển du lịch…”.
Tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang)
Đại diện những người làm báo tỉnh Kiên Giang, đồng chí Lê Thành Phương, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh chia sẻ và ghi nhận: “Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác là một trong những hoạt thường xuyên của Hội Nhà báo tỉnh. Qua đó, giúp cho công tác, hoạt động hội, nhất là kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh quản lý, định hướng sáng tác. Điển hình như qua chuyến đi này biết những điều mới mẻ trong xây dựng đề án và bố trí nhân lực làm công tác báo chí như ở huyện Tri Tôn; công tác quảng bá hình ảnh, đất và người qua báo chí ở An Giang cũng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đồng thời, chuyến đi tạo điều kiện cho người làm báo tỉnh Kiên Giang tìm cảm hứng sáng tác, kỳ vọng có nhiều đề cương, tác phẩm báo chí chất lượng cao ra đời…”.
Tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang)
Đây thực sự là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực cần nghiên cứu tiếp tục phát huy, bởi qua đó, ngoài góp phần giáo dục truyền thống, văn hóa lịch sử địa phương, vùng miền cho thế hệ cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nói chung, còn là kênh chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý hội và định hướng tuyên truyền, sáng tác, nhằm tạo ra nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, đóng góp tích cực vào xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.
QUỐC GIANG