Hợp tác “4 bên” xây dựng vùng lúa gạo bền vững

10/11/2023 - 08:04

 - Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hội Nông dân tỉnh và Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đang chủ động hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng theo chuỗi giá trị bền vững trên địa bàn An Giang.

Phần lớn diện tích tham gia

Mới đây, trước sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy; Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn, cùng các đối tác, khách hàng Tập đoàn Lộc Trời, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trần Văn Cứng và Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận đã cùng đặt bút ký thỏa thuận hợp tác về tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Thỏa thuận là nền tảng quan trọng để cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời triển khai chiến lược xây dựng hệ sinh thái lúa gạo bền vững, trên cơ sở phát triển, liên kết bền vững với các HTX nông nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp, không ngừng mở rộng “Cánh đồng lớn” kiểu mới.

Ngay trong năm 2024, diện tích gieo trồng được thực hiện liên kết “Cánh đồng lớn” đạt 139.000ha, trong đó diện tích đất sản xuất được cấp mã số vùng trồng 10.000ha; có 19 HTX liên kết với Tập đoàn Lộc Trời và 19 chi hội nông dân nghề nghiệp Lộc Trời. Ngoài diện tích liên kết, khả năng thu mua lúa thêm không thông qua hợp đồng của Lộc Trời năm 2024 khoảng 221.238ha. Năm 2025, diện tích “Cánh đồng lớn” tăng lên 257.000ha, khả năng mở rộng thu mua thêm 162.748ha; có 20.000ha được cấp mã số vùng trồng; có 41 HTX tham gia liên kết, 50 chi hội nông dân nghề nghiệp Lộc Trời.

Diện tích hợp tác được mở rộng dần để đến năm 2030, diện tích gieo trồng được thực hiện liên kết “Cánh đồng lớn” đạt 423.700ha, khả năng thu mua lúa thêm không thông qua hợp đồng của Tập đoàn Lộc Trời là 176.300ha, trong đó diện tích đất sản xuất được cấp mã số vùng trồng là 65.000ha; có 90 HTX liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, 200 chi hội nông dân nghề nghiệp Lộc Trời.

Như vậy, so tổng diện tích canh tác lúa hàng năm của An Giang (khoảng 600.000ha), diện tích “Cánh đồng lớn” và khả năng thu mua thêm của Lộc Trời đến năm 2030 chiếm hầu hết diện tích.

Tăng cường trách nhiệm 

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, để triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác, Sở NN&PTNT sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời (gồm cả các công ty thành viên và doanh nghiệp liên kết với Tập đoàn Lộc Trời) tổ chức sản xuất theo kế hoạch tại các vùng nguyên liệu. Đồng thời, hỗ trợ Lộc Trời phát triển HTX tại vùng liên kết, vùng nguyên liệu; tăng cường các hoạt động khuyến nông, ứng dụng công nghệ cao, điểm trình diễn… tại các HTX có sự tham gia của Tập đoàn Lộc Trời.

Sở NN&PTNT phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ thủ tục ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp giữa HTX, nông dân và Tập đoàn Lộc Trời; hướng dẫn các bên tham gia liên kết thực hiện tốt hợp đồng, đặc biệt là trong khâu thu hoạch và chốt giá thu mua lúa, nếp. Sở NN&PTNT phối hợp cấp mã số vùng trồng trong vùng nguyên liệu liên kết với Tập đoàn Lộc Trời.

Đối với Hội Nông dân tỉnh, đồng hành cùng Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh vận động nông dân liên kết sản xuất, tham gia HTX hoặc thành lập mới các HTX tại vùng nguyên liệu đăng ký của Tập đoàn Lộc Trời; hướng dẫn nông dân, HTX thực hiện các thủ tục ký kết. Đồng thời, chỉ đạo hội nông dân các cấp tham gia cùng Tập đoàn Lộc Trời thực hiện chương trình, hỗ trợ thu hoạch, chốt giá thu mua; xây dựng các mô hình nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị hiệu quả cao.

Đối với Liên minh HTX tỉnh, hỗ trợ thành lập HTX tại các vùng nguyên liệu với Tập đoàn Lộc Trời và vận động HTX ký hợp đồng liên kết sản xuất; tư vấn cho các HTX và Tập đoàn Lộc Trời trong hợp đồng liên kết nhằm xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát HTX; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tác trong chuỗi liên kết sản xuất.

Đối với Tập đoàn Lộc Trời, triển khai tổ chức sản xuất, liên kết với HTX để hình thành chuỗi giá trị nông sản bền vững. Tập đoàn phối hợp Phòng NN&PNTT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, thị xã, cùng các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT phát triển ít nhất 1 HTX/năm trở thành điển hình để nhân rộng. HTX này thực hiện toàn bộ quy trình tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa, cạnh tranh về chất lượng sản phẩm.

Tập đoàn Lộc Trời thực hiện hiệu quả giải pháp canh tác “rải vụ LT123”, tăng cường phối hợp cùng ngành nông nghiệp, hội nông dân và UBND các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nông dân hiểu lợi ích của việc tham gia, đồng thời có những chính sách khuyến khích cụ thể đối với các HTX có nhiều thành viên thực hiện.

Tập đoàn Lộc Trời nỗ lực tiêu thụ toàn bộ sản lượng lúa, nếp thu hoạch trong vùng nguyên liệu liên kết; hỗ trợ tiêu thụ sản lượng lúa, nếp thu hoạch ngoài vùng nguyên liệu theo khả năng, đặc biệt là thời điểm nông dân gặp bất lợi trong tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.


NGÔ CHUẨN