Hợp tác khơi dậy giá trị nông nghiệp

19/02/2019 - 07:38

 - Úc là một trong nhữngnước tích cực xúc tiến, cho ra đời Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).Đây là quốc gia có kinh nghiệm xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, khẳng định được thương hiệu và uy tín trên thế giới. Việc tăng cường hợp tác viện, trường, doanh nghiệp và chuyên gia Úc sẽ giúp thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao giá trị nông nghiệp An Giang cũng như vùng ĐBSCL.

Cơ duyên gắn bó

Trong quá trình tăng cường hợp tác với Việt Nam, Chính phủ Úc đã tài trợ nhiều suất học bổng để học sinh, sinh viên Việt Nam sang Úc học tập, nghiên cứu. TS Nguyễn Văn Kiền, giảng viên Trường Đại học An Giang (ĐHAG), là một trong số đó. Được tìm hiểu, nghiên cứu sâu về nền nông nghiệp Úc - nơi không có điều kiện tự nhiên thuận lợi như Việt Nam nhưng có những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, đặc biệt là nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại, TS Nguyễn Văn Kiền luôn trăn trở khi về công tác tại Trường ĐHAG.

Trường Đại học An Giang nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Bắt đầu từ câu chuyện phục hồi và phát triển lúa mùa nổi sinh thái tại Tri Tôn, TS Nguyễn Văn Kiền cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn (ĐHAG) đã đi sâu vào hướng sinh thái hữu cơ từ năm 2013. Ông Kiền đã sáng lập quỹ Mekong Organics, thành lập website Mekong Organics để tạo kết nối, chia sẻ thông tin về nông nghiệp hữu cơ Việt - Úc - Đông Nam Á. Ông Kiền cũng là người kết nối với Viện Nông thôn Á Châu (ARI, Nhật Bản) để cử người đi học tập về nông nghiệp hữu cơ (có 2 người Việt Nam đầu tiên được học khóa này), đồng thời gắn kết tổ chức các hội thảo về nông nghiệp hữu cơ tại Trường ĐHAG tháng 9-2017. Cùng thời gian này, TS Kiền đã tham gia thành viên Hiệp hội quốc gia về nông nghiệp bền vững Úc (NASAA) và nhận giải thưởng Rod May Bursary để tham dự Hội nghị về nông nghiệp hữu cơ thế giới do IFOAM tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ). Giai đoạn 2014 - 2019, ông Kiền tham gia nghiên cứu sâu về sinh thái nông nghiệp và nông nghiệp hữu cơ với các giáo sư tại Đại học Quốc gia Úc, các hội hữu cơ Úc và tham quan học tập, liên kết nông dân hữu cơ tại Úc, Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… TS Kiền cũng là người giữ vai trò kết nối với các nhóm nông nghiệp hữu cơ tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời thúc đẩy, ủng hộ các cá nhân, tổ chức phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ vùng ĐBSCL.

Bằng cơ duyên gắn bó với nền nông nghiệp Úc, TS Nguyễn Văn Kiền đã thiết lập dự án tài trợ từ Chính phủ Úc, thông qua quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Úc tại Việt Nam (Aus4Skills) để triển khai Dự án “Thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa Úc và Việt Nam thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ: đào tạo và tổ chức hội thảo ở 2 quốc gia”. Đơn vị nhận dự án là cựu du học sinh học bổng Úc tại Trường ĐHAG do chính TS Nguyễn Văn Kiền làm Trưởng dự án, thành viên là ThS Lê Ngọc Hiệp và ThS Nguyễn Văn Thái.

Hành động nhỏ, thay đổi lớn

TS Nguyễn Văn Kiền cho biết, mục đích của dự án nhằm hình thành và phát triển mối quan hệ đối tác giữa Úc - Việt Nam trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ, thông qua tổ chức các khóa tập huấn và đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng là cán bộ nông nghiệp, nhà khoa học, nông dân và những người đam mê nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ.

Sản xuất hữu cơ là khuynh hướng tất yếu

Dự án có 4 hợp phần hoạt động chính. Hợp phần 1 là xây dựng năng lực về kinh nghiệm và thực hành phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Úc cho 3 cựu sinh viên AAS thuộc Trường ĐHAG (TS Nguyễn Văn Kiền, ThS Lê Ngọc Hiệp và ThS Nguyễn Văn Thái). Nội dung này được sự hỗ trợ của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ (OAA) vùng Bairndale (bang Victoria, Úc), NASAA, Hiệp hội Những người canh tác nông nghiệp hữu cơ Canberra (COGS), Khoa Fenner về Môi trường và Xã hội (Đại học Quốc gia Úc), Trung tâm Nghiên cứu hữu cơ thuộc Đại học Southern Cross (Úc) và Đại học New England (Úc). Ở hợp phần 2, nhóm cựu sinh viên AAS của ĐHAG thành lập một nhóm chuyên nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ với tên gọi “Hữu cơ Mekong Hub” nhằm thúc đẩy sự liên kết bền vững giữa nông nghiệp - dinh dưỡng - sức khỏe cộng đồng tại khu vực ĐBSCL với các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, viện, trường, doanh nghiệp, nông dân ở 2 quốc gia Việt Nam - Úc. Hợp phần 3 là Diễn đàn ĐBSCL (lần 1) phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Úc và Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, được tổ chức tại Trường ĐHAG ngày 14 và 15-1-2019. Diễn đàn có sự tham dự của các viện, trường, tổ chức ở Úc và Việt Nam, các doanh nghiệp, nông dân sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ ở ĐBSCL.

Sau diễn đàn, hợp phần 4 sẽ được triển khai. Dự kiến tháng 3-2019, Nhóm hữu cơ Mekong sẽ sang Úc học tập mô hình hữu cơ cộng đồng. Sau đó, nhóm sẽ về chia sẻ và triển khai dự án trồng rau hữu cơ cho phụ nữ Khmer tại xã Ô Lâm (Tri Tôn). Với tiêu chí “Vườn rau hữu cơ gia đình - dinh dưỡng - sức khỏe cộng đồng”, đây sẽ là tiền đề để phát triển sự gắn kết giữa nông nghiệp sạch - dinh dưỡng - sức khỏe cộng đồng vùng ĐBSCL và lưu vực sông Mekong, nơi bị tổn thương bởi nguồn dinh dưỡng có xu hướng giảm do tác động bởi đập thủy điện ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu. “Cuối năm 2019, thông qua tài trợ của quỹ Rotary Club, sẽ có 6 nông dân ở ĐBSCL sang Úc học tập về nông nghiệp hữu cơ. Cùng với triển khai dự án trồng rau hữu cơ cho hộ gia đình phụ nữ Khmer ở Tri Tôn trong năm 2019 (tài trợ bởi Chính phủ Úc), giai đoạn 2019 - 2024, quỹ GCRF của Chính phủ Anh sẽ tài trợ triển khai dự án lúa hữu cơ tại An Giang, lúa - tôm hữu cơ tại Sóc Trăng. Thành công của những mô hình này sẽ tạo sự lan tỏa, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển” - TS Nguyễn Văn Kiền kỳ vọng.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN