Hợp tác nâng tầm nông nghiệp An Giang

30/11/2021 - 07:39

 - Với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trực tiếp là Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), An Giang sẽ có điều kiện đẩy mạnh phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên các loại cây trồng chủ lực. Việc quản lý bằng mã số, truy xuất nguồn gốc cùng với triển khai sử dụng phân bón, thuốc BVTV thông minh sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp An Giang, phục vụ tốt hơn nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật (tổ chức trực tuyến)

An Giang thu hút doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng để xuất khẩu trái cây

Đẩy mạnh hợp tác

Mới đây, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Cục BVTV đã ký thỏa thuận hợp tác với Sở NN&PTNT tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp. Với An Giang, thỏa thuận tập trung đẩy mạnh phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và các mô hình sử dụng phân bón, thuốc BVTV hiệu quả, tiết kiệm trên các loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh.

Theo thỏa thuận hợp tác, đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói, Cục BVTV chủ trì, phối hợp tổ chức ít nhất 3 lớp tập huấn/năm cho cán bộ kỹ thuật của Sở NN&PTNT về các quy định mới, các thay đổi của nước nhập khẩu liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và xây dựng chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV trên các cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh, như: Lúa, rau màu và cây ăn trái. Đối với quy định quản lý phân bón, thuốc BVTV, Cục BVTV chủ trì, phối hợp tổ chức ít nhất 1 lớp tập huấn mỗi năm cho cán bộ kỹ thuật của tỉnh về các quy định, chính sách mới trong quản lý phân bón, thuốc BVTV một cách kịp thời và đầy đủ.

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Cục BVTV tập huấn cho nông dân và doanh nghiệp (DN) về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, quy định về sử dụng phân bón và thuốc BVTV. Phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ 100% hộ nông dân và DN trong các vùng trồng, cơ sở đóng gói được gắn mã số sẽ được tập huấn kiến thức về việc thiết lập và duy trì vùng trồng, cơ sở đóng gói; tập huấn kiến thức về các quy định và giải pháp sử dụng phân bón, thuốc BVTV tiết kiệm, hiệu quả. Cùng với hỗ trợ An Giang, Cục BVTV sẽ tiếp tục đàm phán gỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường cho các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản chất lượng cao.

Để triển khai các hoạt động trong chương trình hợp tác, Sở NN&PTNT chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói để duy trì tình trạng đáp ứng các quy định. Đồng thời, xây dựng và trình ban hành chính sách để khuyến khích phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh An Giang.

Khai thác thế mạnh

Với thỏa thuận hợp tác mới, Cục BVTV phối hợp Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch, lựa chọn các vùng sản xuất để triển khai thực hiện các mô hình điểm sử dụng phân bón và thuốc BVTV nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị và chất lượng nông sản. Từ đó, đánh giá hiệu quả của mô hình để tuyên truyền, mở rộng diện tích áp dụng tại An Giang.

Theo đó, giai đoạn 2021-2022, Cục BVTV chủ trì lựa chọn các DN sản xuất phân bón, thuốc BVTV và phối hợp Sở NN&PTNT xây dựng 4 mô hình sử dụng phân bón, thuốc BVTV tiết kiệm, hiệu quả cho trồng lúa. Trong đó, Sở NN&PTNT chủ trì trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình; phối hợp với DN, chuyên gia trong việc theo dõi, giám sát mô hình; chủ trì tổng kết, đánh giá mô hình. Giai đoạn 2023-2025, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với DN nhân rộng các mô hình hiệu quả của giai đoạn trước, đồng thời xây dựng các mô hình mới theo nhu cầu cần phát triển của địa phương.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, An Giang là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp rộng, tiềm năng lớn. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của Cục BVTV, tỉnh đã xây dựng được 147 mã số vùng trồng, 20 mã số cho cơ sở đóng gói, tạo điều kiện cho nông sản An Giang xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ cho An Giang nhiều chương trình, dự án hiệu quả, giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho nông dân. “An Giang sẽ tập trung nguồn lực tập huấn sản xuất, nâng cao kỹ năng cho cán bộ kỹ thuật, hộ nông dân, DN, phấn đấu đạt các mục tiêu của thỏa thuận hợp tác. Đồng thời, thử nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có kiểm soát; phối hợp Viettel xây dựng chương trình nhận diện sâu bệnh thông minh. Từ đó, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững” - ông Lâm nhấn mạnh.

Phấn đấu đến năm 2025, Cục BVTV sẽ hỗ trợ Sở NN&PTNT có 1.846 vùng trồng có mã số với diện tích 168.611ha, có 30 cơ sở đóng gói nông sản đủ điều kiện và luôn duy trì được các điều kiện xuất khẩu được gắn mã số. Trong đó, có 699 vùng trồng lúa với diện tích 168.611ha (chiếm 73% tổng diện tích lúa); 530 vùng trồng rau màu, diện tích 4.650ha (chiếm 23%); 617 vùng trồng cây ăn trái, diện tích 14.160ha (chiếm 79%); 30 cơ sở đóng gói. Đồng thời, xây dựng 37 mô hình sử dụng phân bón và thuốc BVTV hiệu quả, tiết kiệm trên lúa, 14 mô hình trên rau màu và 8 mô hình trên cây ăn trái.

NGÔ CHUẨN