
Tăng cường hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo
Là DN sản xuất - kinh doanh lúa gạo truyền thống tại An Giang, những năm gần đây, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) không ngừng đổi mới, tái cơ cấu để vực dậy thế mạnh trong bối cảnh mới.
Năm 2019, Angimex thực hiện liên kết vùng nguyên liệu với diện tích 2.969ha, sản lượng lúa gạo thu mua 12.811 tấn. Năm 2020, Angimex tăng tốc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trên khắp địa bàn tỉnh, tổng diện tích liên kết đạt 5.645ha, thu mua 25.100 tấn (gấp đôi năm 2019). Năm 2021, ảnh đại dịch COVID-19 khiến diện tích liên kết giảm, chỉ đạt 3.060ha, sản lượng thu mua 13.392 tấn. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, diện tích liên kết vụ thu đông 2021 đã tăng lên 1.200ha, sản lượng thu mua 4.800 tấn.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang Huỳnh Thanh Tùng cho biết, giai đoạn 2022-2025, Angimex tập trung mở rộng vùng nguyên liệu, bao phủ rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang. Mục tiêu Angimex hướng đến là diện tích liên kết sản xuất năm 2022 sẽ đạt 15.000ha, năm 2023 sẽ đạt 30.000ha, năm 2024 sẽ đạt 35.000ha, năm 2025 sẽ đạt 40.000ha.
Các giống lúa chủ lực trong kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu của Angimex, gồm: Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM18, OM5451, IR50404, Japonica (DS1). Đây là những giống lúa chủ đạo trong hoạt động xuất khẩu của Angimex nói riêng và gạo Việt Nam nói chung. Hợp tác nghiên cứu cùng các đơn vị chuyên môn, Angimex sẽ mang đến các giống lúa mới, phù hợp thổ nhưỡng, chống chịu thời tiết, sâu bệnh, đạt năng suất cao, gia tăng giá trị cho nông dân.
Mới đây, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang Huỳnh Thanh Tùng đã ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác về phối hợp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, giai đoạn 2022-2025, 2 bên phối hợp thực hiện phát triển mới tối thiểu 19 HTX nông nghiệp (trung bình 4 HTX/năm) gắn với vùng nguyên liệu lúa, nếp. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích liên kết tiêu thụ đạt khoảng 40.000ha.
Trong thực hiện liên kết, Angimex cung ứng những dịch vụ nông nghiệp, như: Dịch vụ về giống, đồng ruộng, thu hoạch và sau thu hoạch, các dịch vụ chế biến và bao tiêu đầu ra. Sở NN&PTNT phối hợp Angimex xây dựng kế hoạch, lựa chọn các vùng sản xuất để triển khai thực hiện các mô hình điểm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị và chất lượng nông sản. Từ đó, đánh giá hiệu quả của mô hình để tuyên truyền, mở rộng diện tích áp dụng tại tỉnh An Giang. Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT hỗ trợ xây dựng, cấp mã số các vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu theo nhu cầu phía Angimex.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thời gian qua, công tác mời gọi và hỗ trợ DN đầu tư vào các dự án sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của An Giang ngày càng tăng cường, mở rộng, đặc biệt là sản phẩm lúa gạo. Một trong những trọng tâm của tỉnh là tăng cường thu hút, hỗ trợ DN hình thành các mô hình HTX kiểu mới. Khi có sự đồng hành tham gia của DN tại các địa phương có tiềm năng về liên kết, tiêu thụ sản phẩm, sẽ có được sự hỗ trợ về nhân sự, tiềm lực vốn, kỹ thuật sản xuất…
Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, Sở NN&PTNT phối hợp Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang tổ chức ký kết hợp tác trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo gắn với nhu cầu thực tế phát triển HTX nông nghiệp, phát triển thị trường lúa gạo trên địa bàn tỉnh, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Với diện tích liên kết trực tiếp, Angimex sẽ tổ chức thu mua sản lượng lúa ổn định của nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang khoảng 195.000 tấn/năm. DN cùng ngành nông nghiệp tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; quan tâm hợp tác sản xuất lúa giống, lúa hữu cơ. Đồng thời, phối hợp các địa phương xây dựng mô hình điểm, sau đó tổng kết, nhân rộng.
“Mục tiêu cuối cùng của việc hợp tác là khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết thành lập các tổ chức nông dân và liên kết với DN để ổn định đầu ra sản phẩm, giảm chi phí sản xuất thông qua giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến phát triển sản xuất lúa gạo bền vững” - ông Nguyễn Sĩ Lâm nhấn mạnh.
“Thông qua hợp tác với Angimex, ngành nông nghiệp thể hiện cam kết trong việc đồng hành, hỗ trợ DN liên kết sản xuất, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xem DN là một thực thể quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó có lúa gạo. Sở NN&PTNT sẽ nỗ lực phát huy thế mạnh của địa phương trong quá trình xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững theo nhu cầu của Angimex” - Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định. |
NGÔ CHUẨN