Hướng đến vùng nguyên liệu cà phê đặc sản

22/08/2021 - 14:16

Thời gian qua, do giá cả trồi sụt, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nhiều đến sản xuất cà-phê trong nước. Nhằm phát triển bền vững ngành cà phê, nâng cao đời sống nhân dân các địa phương cần đẩy mạnh tái canh, trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn cà phê. Đặc biệt là từng bước xây dựng vùng vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản.

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay cả nước đang trồng khoảng 695 nghìn ha cây cà phê, trong đó có 639 nghìn ha kinh doanh với năng suất 27,7 tạ/ha, sản lượng 1.763.000 tấn. Trong đó năm tỉnh Tây Nguyên có 585 nghìn ha, năng suất 28,5 tạ/ha, sản lượng 1.668.000 tấn.

Bên cạnh đó, diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2020 là 152.657 ha. Trong đó, diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất, chất lượng cà phê nhân nội tiêu và xuất khẩu nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao khả nặng canh tranh của ngành hàng cà phê nước ta trong gia đoạn hiện nay. Qua đánh giá của Cục Trồng trọt, với giá bán cà phê hiện nay vào khoảng 37 nghìn đồng/kg cà phê nhân, trung bình một ha người dân thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Người dân Đắk Lắk chăm sóc cây cà phê.

Ngoài ra, để tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác, người trồng cà phê ở nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh việc trồng xen các loại cây khác trong vườn cà phê. Qua thống kê, hiện nay trong tổng số hơn 630 nghìn ha cà phê thì có đến 161.154 ha cà phê có trồng xen hồ tiêu, bơ, sầu riêng, điều và cây khác như: mắc ca, hồng, mận, chôm chôm…

Theo báo cáo của một số tỉnh ở Tây Nguyên trồng xen trong vườn cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, giúp sản xuất bền vững hơn. Trong đó mô hình trồng xen cây sầu riêng, bơ, hồ tiêu… trong vườn cà phê giúp thu nhập tăng thêm trung bình khoảng 50 triệu đến 125 triệu đồng/ha. Từ trồng xen cây trồng khác đã mang lại thu nhập ổn định và rải đều trong năm giúp cho nông dân có điều kiện đầu tư, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Hướng đến vùng nguyên liệu cà phê đặc sản -0

Người dân Đắk Lắk chăm sóc cây cà phê 

Tuy nhiên, hiện nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc, thâm canh đối với các vườn cà phê. Theo dự báo, khoảng hai tháng nữa sẽ bước vào vụ thu hoạch cà phê của niên vụ 2021-2022, khi đó nhu cầu về nhân lực cho thu hoạch, sơ chế, vận chuyển là rất lớn.

Vì vậy, nếu tình hình dịch COVID-19 không được cải thiện thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ cà phê trong nước. Mặc dù, diện tích tái canh cà phê đã vượt kế hoạch đến 2020 là 120 nghìn ha. Nhưng, diện tích cà phê già cỗi còn nhiều, biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán ở khu vực Tây Nguyên ảnh hưởng đến năng suất chất lượng; giá nhân công tăng cao cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Mặt khác, giá vật tư đầu vào tăng cao, nhất là phân bón đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc, thâm canh của người trồng cà phê.

Để phát triển vùng nguyên liệu cà phê và bảo đảm đời sống trong người trồng, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, Nguyễn Như Cường thời gian tới các địa phương cần rà soát lại quy mô sản xuất cà phê, trong đó vùng Tây Nguyên giữ ổn định khoảng 530 nghìn ha.

Đồng thời chuyển đổi khoảng 20 nghìn ha cà phê già cỗi không bảo đảm nguồn nước, đất dốc, tầng đất mỏng sang cây trồng khác; gắn với thủy lợi, chế biến; đưa tỷ lệ cà phê nhân được chế biến ở quy mô công nghiệp đạt hơn 80% đến năm 2030. Đẩy mạnh nghiên cứu và đưa vào sản xuất những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, giống đặc sản và có khả năng thích ứng với điều kiện bất thuận của biến đổi khí hậu; tổ chức sản xuất hợp lý nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế bằng cách canh tác theo hướng GAP, trồng giống mới, sử dụng phân bón cân đối, thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng, thu hái cà phê khi đã chín.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao trình độ sơ chế, chế biến cà phê tại nông hộ; từng bước thúc đẩy sản xuất, chế biến cà phê đặc sản góp phần nâng cao giá trị gia tăng ở các vùng sản xuất phù hợp.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu với tổng mức đầu tư là 440 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Trong số đó, có hợp phần đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao vùng Tây Nguyên tại Gia Lai, Đắk Lắk.

Theo đó, hợp phần đầu tư kết cấu hạ tầng tại Gia Lai, Đắk Lắk sẽ nâng cấp 26 km đường giao thông; xây dựng, nâng cấp 9 sân phơi, nhà kho chứa cà phê với tổng diện tích 17.500 m2; 3 silo bảo quản cà phê chất lượng cao với quy mô khoảng 1.300 tấn.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021- 2030. Đề án được triển khai tại tám tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị với tổng diện tích gần 19.000 ha.

Mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở thị trường xuất khẩu và nội địa; đồng thời nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha với sản lượng khoảng 5.000 tấn. Giai đoạn 2026-2030, tổng diện tích đạt gần 19.000 ha với sản lượng khoảng 11.000 tấn.

Theo HOÀNG HÙNG (Báo Nhân Dân)