Hướng đi mới trong liên kết sản xuất

24/09/2021 - 04:48

 - Cùng với thành lập hợp tác xã (HTX) kiểu mới trong nông nghiệp, việc đẩy mạnh triển khai mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp (DN) là đòi hỏi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, hướng đến bền vững. Trong đó, các mô hình liên kết gắn với Tập đoàn Lộc Trời được xem là hướng đi mới, khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất nông nghiệp.

Mở rộng liên kết

Từ đầu năm 2020 đến nay, tín hiệu tích cực là diện tích liên kết sản xuất trên địa bàn An Giang không ngừng tăng lên, đặc biệt là vai trò của Tập đoàn Lộc Trời - DN “đầu tàu” trong liên kết sản xuất hiện nay.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Văn Hinh cho biết, vụ lúa đông xuân 2020-2021, có 28 DN thực hiện liên kết thông qua 47 HTX nông nghiệp và 237 tổ hợp tác (THT) với diện tích 26.721ha. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai thông qua 32 HTX và 178 THT với diện tích 20.999ha. Vụ hè thu 2021, có 29 DN tham gia thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp thông qua HTX, THT và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh, diện tích 27.842ha (trong đó Tập đoàn Lộc Trời triển khai thông qua 23 HTX, 99 THT với diện tích 21.265ha). Các mô hình liên kết của Tập đoàn Lộc Trời, gồm: mô hình Lộc Trời 123 (LT123 - canh tác rải vụ) 108ha, mô hình truyền thống 11.157ha và mô hình tiêu thụ (liên kết đối tác) 10.000ha.

Vụ thu đông 2021 này, mặc dù diện tích canh tác gần 161.000ha (ít hơn vụ đông xuân và hè thu) nhưng 24 DN có kế hoạch liên kết, diện tích thực hiện 51.000ha, chiếm gần 31,7% diện tích xuống giống. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời có nhu cầu liên kết và thu mua 46.806ha, gồm các mô hình: LT123 (3.778ha), mô hình bao tiêu truyền thống (3.028ha) và mô hình liên kết đối tác tiêu thụ (40.000ha). Có thể thấy, mô hình mới LT123 đang tăng lên, trong khi mô hình bao tiêu truyền thống giảm xuống.

Tập đoàn Lộc Trời cùng hợp tác xã nông nghiệp cung cấp dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái (drone)

Toàn tỉnh có 24 HTX được thành lập trong vùng nguyên liệu của Tập đoàn Lộc Trời. Điểm nổi bật trong năm nay là đã thành lập được Liên hiệp HTX Thoại Sơn với 7 HTX thành viên trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Ngoài số HTX trong vùng nguyên liệu, đối với hơn 20 HTX khác mà Tập đoàn Lộc Trời liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và tiêu thụ nông sản cho thành viên, DN đều cử nhân sự tham gia điều hành (giám đốc, phó giám đốc hoặc kế toán) và tham gia góp vốn (20% vốn điều lệ của HTX).

Hướng đến bền vững

Ông Nguyễn Văn Hinh cho rằng, sự tham gia của Tập đoàn Lộc Trời (trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh) tác động tích cực đến nhận thức của bà con nông dân và Hội đồng quản trị các HTX nông nghiệp về sự cần thiết phải hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt có sự tham gia của DN. Từ quá trình hợp tác này, các HTX nhận được sự hỗ trợ của DN trong việc tham gia góp vốn và cử nhân sự tham gia điều hành HTX, giúp HTX làm tốt vai trò đầu mối trong tổ chức lại sản xuất tại địa phương, đặc biệt là tập trung vào dịch vụ chủ yếu, như: cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản cho thành viên và nông dân.

Với sự ra đời của HTX nông nghiệp kiểu mới, sự tham gia tích cực của DN, diện tích liên kết tiếp tục tăng lên. Năm 2022, DN trong và ngoài tỉnh có nhu cầu liên kết và mua lúa, nếp với diện tích 126.760ha (trong đó Tập đoàn Lộc Trời có nhu cầu liên kết 109.960ha), được bố trí diện tích thực hiện theo các mô hình: LT123 (43.250ha), mô hình truyền thống (12.860ha) và mô hình liên kết đối tác tiêu thụ (60.000ha).

Trong đó, vụ đông xuân 2021-2022 được công ty phân bổ 36.960ha (mô hình LT123 là 12.450ha, truyền thống 6.360ha, liên kết đối tác tiêu thụ 20.000 ha); diện tích còn lại của năm 2022 (73.000ha) được phân bổ theo 2 vụ còn lại của năm 2022, được công ty bố trí phù hợp với kế hoạch sản xuất, đáp ứng công suất của nhà máy.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, tỉnh đã thành lập 1 Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp tỉnh (gồm 22 thành viên và bộ phận giúp việc 11 thành viên), 11 Tổ phản ứng nhanh cấp huyện (hơn 100 thành viên), 149 Tổ phản ứng nhanh cấp xã (khoảng 1.153 thành viên), trong đó mỗi Tổ phản ứng nhanh cấp xã đều có từ 1-4 nhân viên Tập đoàn Lộc Trời tham gia hỗ trợ. Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp là cầu nối quan trọng giữa nông dân, HTX với DN. Đây là địa chỉ nắm thông tin cụ thể về diện tích, sản lượng, giống, thời điểm thu hoạch để phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình sản xuất mới. Đồng thời, phối hợp DN khác triển khai liên kết sản xuất theo mô hình truyền thống.

Thời gian tới, các ngành chuyên môn, địa phương trong tỉnh sẽ phối hợp Tập đoàn Lộc Trời đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình LT123, chính sách hỗ trợ về giống, vật tư, tiêu chuẩn sản xuất; triển khai diện tích liên kết trong từng vụ, từng năm, theo từng thời điểm và địa phương cụ thể. Qua đó, xây dựng mô hình điểm về liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

 

NGÔ CHUẨN