Tự hào vùng đặc sản
Huyện Phú Tân được bao bọc bởi 3 con sông lớn là sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao - đặc điểm này không nơi nào có được. Nhờ lượng phù sa bồi đắp hàng năm sau mùa nước nổi mà đất ruộng tốt như đất bãi bồi, giúp cây trồng xanh tốt, chất lượng. Từ sau năm 1990, cùng với chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, cây nếp được chú trọng và từng bước khẳng định được hiệu quả kinh tế, diện tích sản xuất theo đó ngày càng mở rộng. Vùng chuyên canh nếp Phú Tân dần hình thành, nếp đạt chất lượng cao và ổn định, không bị lẫn tạp như những vùng còn xen lúa.
Hơn 20 năm trước, huyện Phú Tân được hỗ trợ xây dựng công trình kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, tạo thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ và luôn đủ nước tưới. Địa phương khai thác tốt lợi thế của dự án này, xây dựng đê bao kiểm soát lũ toàn diện tích. Từ sản xuất 1 vụ lúa mùa sang 2 vụ lúa “thần nông” rồi 3 vụ lúa, nếp/năm. Từ năm 2019 đến nay, Phú Tân là huyện đi đầu trong thực hiện chủ trương sản xuất “2 năm, 5 vụ”. Đây là giải pháp hiệu quả để đất đai tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.
Nếp đặc sản Phú Tân
Nông dân huyện Phú Tân có kinh nghiệm dày dặn trong canh tác lúa nếp, nên rất nhạy bén trong tiếp thu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Trên địa bàn huyện, 2 giống nếp được gieo trồng phổ biến là CK92 và CK2003. Trong đó, giống nếp CK92 đã chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đổi tên thành giống nếp AG, được coi là giống nếp chủ lực trong phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu nếp Phú Tân - An Giang.
Nếp AG có hương thơm đặc trưng, độ thuần đến 99%, năng suất đạt từ 8 - 10 tấn/ha, chất lượng được nhiều người đánh giá cao và ưa chuộng với đặc điểm hạt đều, đục, thơm, dẻo. Thời hoàng kim, 1 tạ nếp bằng đôi ba tạ lúa, cũng có lúc giá nếp xuống thấp khiến lòng người lao đao, dù vậy bà con ở Phú Tân vẫn gắn bó với ruộng nếp qua bao đời. Năm 2009, sản phẩm nếp Phú Tân đã có nhãn hiệu tập thể, tuy nhiên, mức độ nhận diện thương hiệu vẫn còn bỏ ngõ.
Rất nhiều năm nay, người dân Phú Tân mong mỏi xây dựng thành công thương hiệu nếp Phú Tân - An Giang. Hiện nay, chính quyền địa phương đồng hành với nông dân để nâng cao chất lượng sản xuất, không chỉ chú trọng bài toán làm sao nâng giá trị kinh tế trên cùng diện tích sản xuất, mà còn hướng đến sản xuất lúa nếp đạt chuẩn hàng hóa, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững. Cùng với quyết tâm của tỉnh thì sự nhiệt tình tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là yếu tố quan trọng giúp xây dựng thành công thương hiệu nếp Phú Tân trong nay mai.
Món ngon hương quê
Tự hào về “hạt ngọc đặc sản” của quê hương, nhiều hộ ở Phú Tân đã chọn nghề bánh làm sinh kế truyền đời gần trăm năm. Nổi tiếng phải kể đến làng bánh phồng Phú Mỹ, vừa gần gũi, bình dân, lại vừa là “mỹ vị” không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. “Bước vào tháng Chạp, cả làng bánh phồng rộn rã tiếng quết bánh nhịp nhàng ngày đêm. Thanh âm đó đem đến niềm vui cho biết bao người, phản ánh sự sung túc, ấm no. Lao động càng tất bật thì năm đó bà con đón Tết càng vui” - ông Nguyễn Văn Xuân (người đại diện của làng nghề) chia sẻ.
Bánh phồng Phú Mỹ làm từ loại nếp rặt của địa phương
Bánh phồng có nhiều loại, từ loại ăn sống trực tiếp đến loại bánh nướng, bánh mè sữa nước cốt dừa, mè đường thốt nốt… Các vị cao niên trong làng bánh cho biết, vài chục năm trước, làng bánh rất đông vui, nhộn nhịp. Từ khuya, nhà nhà đã thức dậy để nấu xôi, quết bánh, cán bánh. Hầu hết các cơ sở ở làng nghề hiện nay đã truyền nghề đến thế hệ thứ 3, thứ 4 và là lớp chuyển giao từ làm bánh thủ công sang máy móc hiện đại. Tuy được thay thế phần nào sức lao động, song người theo nghề bánh này vẫn vất vả vì phải thức khuya dậy sớm và canh trời mưa nắng.
Bánh phồng thường ngày là món ăn chơi, để gói xôi, làm kẹo… nhưng trong ngày Tết lại được trân trọng đặt lên bàn thờ gia tiên. Chữ “phồng” vừa miêu tả đúng nghĩa đen khi chiếc bánh kích cỡ bằng cái dĩa nướng trên than hồng nở to bằng cái nón. Một nghĩa trừu tượng khác, người ta mong ước khởi đầu một năm mới được nảy nở may mắn, thành quả thu về sẽ nhân lên y như chiếc bánh vậy. Chiếc bánh phồng vì thế còn mang giá trị văn hóa tinh thần đặc biệt.
Ở “xứ nếp”, các bà, các cô khéo tay còn làm ra món bánh ít nếp nguyên hạt, hay còn gọi là bánh ít nếp xào. Những hạt ngọc tròn mẩy trắng ngần qua ngâm, ủ sẽ đem xào với lá dứa đến khi hạt nếp đổ nhựa, lên màu xanh trong bắt mắt. Độ ngon của bánh còn tùy thuộc tay nghề xào nếp, chọn lựa các nguyên liệu, nêm nếm nhân bánh, phổ biến là nhân đậu và nhân dừa. Bên cạnh bánh phồng Phú Mỹ, bánh ít nếp nguyên hạt là món quà thường được người dân Phú Tân chọn để gửi tặng khách, thể hiện lòng thơm thảo.
Bánh ít nếp nguyên hạt nổi tiếng của huyện cù lao
“Quan trọng là khi làm từng công đoạn phải thật sạch thì bánh ra thành phẩm mới đạt về vị ngon và mùi thơm. Người ta vẫn nhận ra hương nếp, hương lá dứa rõ rệt, rồi mùi thơm của vỏ bánh hòa quyện với gia vị, nhân bên trong, cảm nhận dư vị nhẹ nhàng, không ngán. Cảm giác lạ lạ từ hình thức cho đến hương vị là sự hấp dẫn riêng để thực khách tìm đặt mua bằng được món bánh ít nếp nguyên hạt ở xứ này” - bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (thợ gói bánh ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Trung) tiết lộ.
Nhiều năm qua, “hạt ngọc đặc sản” vẫn là cây kinh tế chủ lực, khẳng định giá trị riêng và trở thành niềm tự hào của bà con xứ cù lao. Sản lượng nhiều, chất lượng nếp ngon, có độ dẻo thơm khác biệt, nếp Phú Tân được sử dụng làm nguyên liệu để gói bánh ít, bánh ú, bánh tét, nấu xôi, làm cốm dẹp… cho đến chế biến hàng chục món chè hấp dẫn. Ngay trên quê hương mình, người dân Phú Tân muốn chế biến những món ăn từ nếp rất thuận tiện, không phải tìm kiếm đâu xa.
MỸ HẠNH