Cơ sở của chị Quyến cung cấp phôi nấm cho 7 thành viên tổ hợp tác và nông dân nhiều nơi khác
Trước đây, cây nấm bào ngư chủ yếu được biết đến với cách làm ăn nhỏ lẻ của các hộ nông dân. Vì không có đầu ra ổn định nên loại nấm này chưa phát triển đúng với tiềm năng khiến nông dân không còn mặn mà trồng nấm. Do đó, Hội Nông dân huyện Châu Phú đã kết nối, tìm kiếm những cá nhân thực sự đam mê loại nấm này nhằm phát triển mô hình theo hướng ổn định, mang lại lợi nhuận lâu dài cho nông dân.
Chị Hà Thị Kim Quyến (chủ cơ sở sản xuất phôi nấm Anh Thư) là người đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng kết nối những nông dân mê trồng nấm bào ngư để làm ăn tập thể. Với 5 năm kinh nghiệm và trải qua nhiều thất bại, thành công cùng nấm bào ngư, chị Quyến quyết tâm đưa loại nông sản này trở thành thương hiệu đặc trưng của xã Đào Hữu Cảnh.
Hiện nay, chị Quyến là người trực tiếp cung cấp phôi nấm cho nông dân và bao tiêu sản phẩm với giá 29.000-30.000 đồng/kg. Với cách làm này, các hộ trong THT có thể yên tâm vì không còn lo đầu ra cho sản phẩm vì chị Quyến là người kết nối với thương lái tại các chợ đầu mối ở huyện Châu Phú, Tịnh Biên và TP. Châu Đốc để tiêu thụ nấm mỗi ngày.
Chị Quyến chia sẻ, nếu nông dân làm ăn nhỏ lẻ thì họ rất dễ bị thương lái ép giá vì nguồn cung nấm không ổn định. Khi họ tham gia THT, chị Quyến sẽ gom đủ số lượng nấm cung cấp ra thị trường mỗi ngày nên giữ được mức giá hợp lý, đảm bảo lợi nhuận cho các thành viên. Nông dân chỉ việc bán nấm cho chị theo giá bao tiêu, mà không phải lo mức giá lên xuống thất thường ngoài thị trường.
Nói về quá trình sản xuất và cung cấp phôi nấm cho nông dân, chị Quyến cho biết, nguồn nguyên liệu có thành phần 100% hữu cơ nên sản phẩm sẽ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Với khả năng sản xuất 2.000 phôi/ngày, cơ sở của chị Quyến không chỉ cung cấp phôi nấm cho các thành viên trong THT, mà còn bán cho nông dân nhiều nơi khác.
Ngoài ra, chị còn trực tiếp tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập khá ổn định. Vì phôi chất lượng, tỷ lệ cho nấm đạt từ 99% trở lên nên cơ sở của chị Quyến rất được nông dân tin tưởng. Hiện nay, chị đang đầu tư cơ sở sản xuất phôi nấm rộng khoảng 6.000m2 với đủ các công đoạn: sơ chế, hấp, cấy meo… nhằm đảm bảo chất lượng phôi tốt nhất cho khách hàng.
Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân và ngành nông nghiệp huyện Châu Phú, chị Quyến đang hướng tới việc đăng ký thương hiệu cho cây nấm bào ngư xã Đào Hữu Cảnh, để đưa sản phẩm này vào siêu thị hoặc những nơi kinh doanh nông sản an toàn. Từ đó, mới có thể nâng cao giá trị cho cây nấm bào ngư vốn khá chật vật trong việc tìm kiếm thị trường ổn định như trước kia.
Để thực hiện ý tưởng này, chị Quyến đang rất cần nguồn vốn phát triển mô hình và liên kết những nông dân có nhu cầu trồng nấm nhưng không có đất canh tác. Nông dân có thể thuê trại trồng nấm trong diện tích đất chị Quyến đầu tư và được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra. Trên cơ sở đó, chị Quyến có thể kiểm soát nguồn nấm ổn định và bảo đảm chất lượng sản phẩm khi bán ra thị trường.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú Huỳnh Minh Ngọc cho biết, đã hướng dẫn chị Quyến vay vốn từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân và theo Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân còn đưa mô hình vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng tầm cây nấm bào ngư của xã Đào Hữu Cảnh trong tương lai.
Việc được tạo điều kiện tiếp cận kỹ thuật sẽ giúp chị Quyến và những thành viên trong THT sản xuất - bao tiêu nấm bào ngư Anh Thư tiếp tục nâng chất mô hình trong thời gian tới. Tuy nhiên, để cây nấm bào ngư có được vị trí vững chắc trên thị trường, đòi hỏi các cấp, ngành cần hỗ trợ vốn nhiều hơn giúp các thành viên trong THT mở rộng sản xuất và đưa sản phẩm của mình đến với những thị trường tiềm năng trong thời gian tới.
THANH TIẾN