Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tham gia thảo luận tổ
Về công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật, gồm 6 luật đã cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự); thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quốc hội cũng đã thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến; Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho nhiều ý kiến lần đầu rất quan trọng đối với 8 dự án luật khác, gồm: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%. Trong đó, 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024.
Cùng với nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, tại kỳ họp này, Quốc hội kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển KTXH, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như: Tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và Chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế.
Đồng thời, cho phép linh hoạt điều hòa vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sửa đổi bổ sung căn bản thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam, góp phần kích cầu du lịch…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai luật, nghị quyết trong quý III/2023; rà soát, đôn đốc việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV; đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội”.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho biết: “Suốt kỳ họp, các vị ĐBQH tỉnh đã làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, đóng góp hơn 20 lượt ý kiến ở các diễn đàn. Đặc biệt, nhiều dự án luật, vấn đề KTXH liên quan mật thiết đến hoạt động công việc, nên ý kiến phát biểu của ĐBQH mang tính trọng tâm, bao quát. Kết thúc kỳ họp, các ĐBQH trở về địa phương, đơn vị công tác. Từ ngày 3 đến 5/7, bắt đầu quá trình tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Mặt khác, chúng tôi tiếp tục lắng nghe cử tri phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đóng góp chủ trương, chính sách, pháp luật; ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; những kiến nghị mới phát sinh gửi gắm đến Quốc hội”.
Nhiều “kỷ lục” đã được xác lập trong kỳ họp này, như: Hơn 1.500 lượt ĐBQH phát biểu thảo luận tổ, thảo luận tại Đoàn ĐBQH; hơn 1.400 lượt đăng ký, gần 700 lượt ĐBQH phát biểu thảo luận, hơn 100 lượt tranh luận; hơn 600 lượt ĐBQH đăng ký, nêu câu hỏi chất vấn, tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn; hơn 30.000 tin, bài (có ngày hơn 3.000 tin, bài) trên phương tiện truyền thông đại chúng một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đầy đủ, khách quan diễn biến và kết quả kỳ họp. |
GIA KHÁNH