Khai thác hiệu quả chăn nuôi

18/06/2021 - 03:56

So các loại hình nông nghiệp, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Trong đó, các mô hình chăn nuôi tập trung quy mô nông trại, gia trại đang được khuyến khích bởi chăn nuôi lớn giúp giảm chi phí, dễ ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, thuận tiện liên kết tiêu thụ.

Kiểm soát tốt đàn vịt chạy đồng

Phục hồi vật nuôi chủ lực

Tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi được kiểm soát tốt, giá heo hơi giữ ở mức khá cao trong thời gian dài đã kích thích nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tái đàn heo. Những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ dần được thay bằng các đàn heo quy mô lớn, áp dụng quy trình nuôi công nghiệp.

Tại huyện Tri Tôn, với lợi thế diện tích rộng, thưa dân cư, mô hình chăn nuôi heo theo quy mô trang trại đang cho thấy được hiệu quả rất tốt. Trên cơ sở 2 trại heo trước đây của Công ty Heo giống Việt Thắng An Giang tại xã Lương An Trà và Lương Phi, Tập đoàn THACO đã cải tạo, nâng cấp theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất (Tập đoàn THACO mua lại toàn bộ mảng chăn nuôi heo của Tập đoàn Hùng Vương, bao gồm hệ thống chăn nuôi Việt Thắng). Cả trại heo giống Tri Tôn 1 (xã Lương An Trà) và Tri Tôn 2 (xã Lương Phi) đều đã được đầu tư mở rộng, nâng công suất lên 2.400 con nái/trại, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi heo thịt.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn huyện đạt 32.068 con, trong đó hộ nuôi nhỏ lẻ khoảng 18.569 con; trại heo của doanh nghiệp khoảng 14.500 con. Tổng đàn heo trong 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận số liệu tăng trưởng khả quan với số lượng tăng đàn trên 3.000 con, tỷ lệ tăng đàn đạt 10,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với heo, tổng đàn gia cầm đạt khá với 271.265 con (gà 28.832 con, vịt 239.200 con, vịt xiêm 3.233 con). Nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, 6 tháng đầu năm, ngành thú y huyện Tri Tôn đã tiêm phòng đầy đủ, đảm bảo số lượng theo quy định.

Tính chung trên địa bàn An Giang, ước tổng đàn heo hiện có hơn 79.000 con, tăng 4.500 con so cùng thời điểm năm 2020 (tăng 6%). Trong đó, đàn heo nái đặc biệt tăng mạnh với 12.500 con, tăng đến 41,73% so cùng kỳ (tăng gần 3.700 con). Riêng heo con chưa tách mẹ, ước khoảng 15.800 con, tăng 38,66% (4.400 con) so cùng kỳ. Đàn heo nái, heo giống tăng là điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục tái đàn thời gian tới.

Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi. Cùng với đàn heo tăng, đàn trâu, bò toàn tỉnh cũng tăng trưởng nhẹ, hiện khoảng 69.200 con, tăng 476 con so cùng kỳ (trong đó, đàn bò 66.900 con, tăng 374 con). Ước đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có hơn 5,1 triệu con, tăng 5,76% (tăng 279.000 con), trong đó đàn vịt hơn 3,7 triệu con (tăng 292.000 con), đàn gà gần 1,3 triệu con (giảm 14.000 con).

Ước tính tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm khoảng 12.500 tấn, tăng 3,47% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thịt hơi trâu, bò hơn 2.700 tấn (tăng 20 tấn); sản lượng thịt heo gần 4.900 tấn (tăng 94 tấn); sản lượng thịt hơi gia cầm khoảng 4.200 tấn (tăng 29 tấn); sản lượng tổ yến thu hoạch từ nhà nuôi khoảng 3,3 tấn (tăng 300kg)...

Từ đầu năm đến nay, ngành thú y tỉnh đã tiêm phòng vaccine chủ động cho đàn gia súc 113.806 con (phòng các bệnh dịch tả - tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh…); tiêm phòng dại cho 15.097 con chó nuôi; tiêm phòng cúm gia cầm H5N1 cho hơn 3,2 triệu con gia cầm (vịt gần 2,93 triệu con, gà 273.722 con).

Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện vệ sinh tiêu độc thường xuyên phương tiện vận chuyển, quầy kệ bán thịt gia súc, gia cầm, khu vực chăn nuôi, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tổng cộng hơn 13 triệu m2 (tiêu độc khu vực chăn nuôi hơn 11,93 triệu m2, phương tiện xe vận chuyển 123.000m2, cơ sở giết mổ 294.917m2, quầy kệ bán thịt gia súc, gia cầm 613.898m2 và cơ sở ấp trứng gia cầm 44.000m2).

Trong 6 tháng qua, tổng số gia súc ghi nhận mắc bệnh trên địa bàn tỉnh khoảng 11.708 con (cảm nóng say nắng, bỏ ăn, Ecoli, tụ huyết trùng, phó thương hàn). Nhờ được lực lượng cán bộ thú y can thiệp kịp thời nên đã điều trị khỏi bệnh 96%, chỉ có 463 con chết. Công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng, chủ động phát hiện, điều trị bệnh tiếp tục được ngành thú y tăng cường nhằm bảo vệ tốt đàn chăn nuôi, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2021.

Thời gian qua, ngành thú y đã phối hợp các cơ quan liên ngành tại cửa khẩu phun xịt sát trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển nhập cảnh vào Việt Nam. Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện: Tri Tôn, An Phú, Tịnh Biên và TP. Châu Đốc tăng cường phối hợp kiểm tra tuyến biên giới về tình hình dịch bệnh và phòng, chống nhập lậu sản phẩm động vật qua biên giới. Qua kiểm tra chưa phát hiện vi phạm.

 

NGÔ CHUẨN