Phát động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Tìm hiểu thông tin về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
Ngày 9/11/1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành. Tư tưởng lập hiến, giá trị dân chủ, nhân quyền; mô hình về tổ chức Nhà nước của dân, do dân, vì dân được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bản Hiến pháp sau này lẫn toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam. Ngày 20/6/2012, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, lấy ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của pháp luật trong việc quản lý Nhà nước và đời sống xã hội, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, để đề cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, Sở GD&ĐT ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Gần đây là Kế hoạch 4595/KH-SGDĐT, ngày 23/10/2024 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trong ngành GD&ĐT năm 2024.
“Nhiều hình thức đa dạng, thiết thực được hướng dẫn triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh, như: Tổ chức hội nghị hưởng ứng gắn với truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, vấn đề nóng hoặc có nhiều ý kiến khác nhau cần định hướng dư luận xã hội; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại trụ sở cơ quan; truyền thông trên trang thông tin điện tử của đơn vị; các hình thức khác phù hợp tình hình thực tế…” - đồng chí Trần Thị Ngọc Diễm thông tin.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Trịnh Tuấn Ngọc, mọi tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ chấp hành và nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Học sinh là đối tượng điều chỉnh của nhiều luật, nên các em cần phát huy hơn nữa tinh thần thượng tôn, chấp hành pháp luật để lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.
Việc phát động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam là dịp quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, công bằng, văn minh. Đây không chỉ là dịp để mỗi cá nhân, tổ chức tự kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, mà còn nhắc nhở chúng ta về vai trò của luật pháp trong cuộc sống hàng ngày.
“Theo Luật Giáo dục, mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam cả đức, trí, thể, mỹ. Con người phát triển toàn diện trước hết phải là con người hiểu biết quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội; tôn trọng, tuân thủ pháp luật. Hiểu và ý thức về pháp luật là hết sức quan trọng. Bên cạnh hoạt động học tập chính khóa thì ở nhà hay ở bên ngoài, chỗ nào cũng cần tuân thủ và ý thức pháp luật; cần sự tự giác trong tìm hiểu và thực hiện pháp luật. Học sinh không chỉ làm theo pháp luật đối với việc lớn, mà cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất” - đồng chí Trần Thị Ngọc Diễm nhấn mạnh.
Nguyễn Vĩnh Nguyên (học sinh lớp 12, Trường THPT Long Xuyên) chia sẻ: “Em hiểu được, chấp hành pháp luật không phải là việc xa vời, mà là trách nhiệm gần gũi của mỗi công dân. Đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt của xã hội. Việc chấp hành pháp luật giúp bản thân có cuộc sống an toàn, lành mạnh, là tấm gương lan tỏa cho cộng đồng. Để thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, mỗi học sinh chúng em nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Đây là việc có thể làm mỗi ngày, như: Đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đi xe đạp điện; đi đúng làn đường, không vượt đèn đỏ…; tuân thủ nội quy trường lớp; phòng, chống bạo lực học đường; không sử dụng chất kích thích, chất cấm; lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật qua mạng xã hội… Chỉ cần mỗi người đóng góp một phần nhỏ, xã hội của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn, văn minh hơn”.
HỮU HUYNH