Gắn bó cùng nông dân
Với 2 sản phẩm đặc thù là bắp non và đậu nành rau, Antesco là doanh nghiệp (DN) gắn bó lâu đời với nông dân An Giang trên lĩnh vực rau màu. Có thời điểm, mô hình “2b” (bắp - bò) trở thành điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện cù lao Chợ Mới, sau đó nhân ra nhiều địa phương khác. Nông dân liên kết trồng bắp, thu hoạch trái non bán cho Antesco, còn thân cây bắp thì làm thức ăn để phát triển đàn bò, mang lại “thu nhập kép”. Tuy nhiên, khi phong trào trồng xoài phát triển, diện tích “2b” cũng dần thu hẹp.
Khi phát triển cây trồng theo phong trào và không liên kết với DN, đầu ra nhiều lúc không ổn định, giá cả bấp bênh. Trong khi đó, Công ty Antesco vẫn triển khai chuỗi giá trị rau quả theo hướng bền vững, “giữ chân” được những nông dân làm ăn uy tín, ổn định lâu dài. Chính quyền địa phương hỗ trợ công ty từ khâu triển khai, ký hợp đồng với đại diện các hộ nông dân, HTX, khâu cung ứng đầu vào, giám sát quy trình canh tác; giai đoạn thu mua, nhập kho, có sự thỏa thuận giữa Antesco và đại diện các hộ nông dân, HTX; chỉ riêng khâu tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu là do Antesco quyết định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh và Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang Nguyễn Hoàng Minh cho biết, với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ này, vùng nguyên liệu của công ty được giữ ổn định ở các huyện trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, diện tích bao tiêu 100% đầu ra bắp non ước đạt 3.350ha, đậu nành rau 246ha. Nếu như năm 2019, sản lượng tiêu thụ 10.268 tấn, doanh thu 369 tỷ đồng thì năm 2022, sản lượng khoảng 18.000 tấn, doanh thu 600 tỷ đồng.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, năm 2022, Công ty Antesco dành nguồn kinh phí 130 tỷ đồng để mở rộng Nhà máy Mỹ An (huyện Chợ Mới), nâng cấp Nhà máy Bình Long (huyện Châu Phú) và cải tạo Nhà máy Bình Khánh (TP. Long Xuyên). Năm 2023, công ty có kế hoạch sử dụng kinh phí 175 tỷ đồng để nâng cấp Nhà máy Mỹ An, mở rộng Nhà máy Bình Long và nâng cấp Nhà máy Bình Khánh. Năm 2024-2025, công ty dự kiến dùng 500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy phân hữu cơ (200 tỷ đồng), mở nhà máy mới (150 tỷ đồng) và mở mới kho thành phẩm trung tâm (150 tỷ đồng). “Nhà máy phân hữu cơ sẽ giải quyết đầu ra của rác thải, vỏ trái cây, xử lý thành phân bón hữu cơ để cung cấp lại cho nông dân, tạo thành quy trình khép kín, bảo vệ môi trường, hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế” - ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.
Tăng cường hợp tác
Bên cạnh các mặt hàng chủ lực là bắp non và đậu nành rau, Công ty Antesco đang mở rộng thêm vùng nguyên liệu bắp ngọt, đậu bắp Nhật, ớt, khoai môn, đặc biệt là xoài keo. “Năm 2023, công ty dự kiến thu mua 50% sản lượng xoài keo ở vùng trồng huyện An Phú. Đặc thù xoài keo nơi đây có trái to, dù giá bán cao hơn nơi khác nhưng kiểm soát được dư lượng thuốc, đạt hiệu quả tốt trong thu hồi thành phẩm” - ông Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ.
Theo kế hoạch năm 2023, diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ của Antesco trên địa bàn An Giang đạt 7.000ha bắp non, 500ha đậu nành rau, 300ha xoài keo, 100ha bắp ngọt; các loại đậu bắp Nhật, ớt và khoai môn đạt 20ha/loại. Năm 2025, diện tích liên kết tăng lên 10.000ha bắp non, 800ha đậu nành rau, 800ha xoài keo, 200ha bắp ngọt; đậu bắp Nhật, ớt và khoai môn đạt 40ha/loại. Năm 2030, diện tích liên kết dự kiến tăng lên 15.000ha bắp non, 1.500ha đậu nành rau, 1.500ha xoài keo, 500ha bắp ngọt; đậu bắp Nhật, ớt và khoai môn đạt 50ha/loại.
Nhằm đảm bảo tính bền vững, mới đây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Võ Chí Hùng và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang Nguyễn Hoàng Minh đã cùng ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh An Giang.
Với sự hợp tác này, Công ty Antesco xây dựng lại sơ đồ chuỗi giá trị rau quả theo hướng hỗ trợ thành lập và phát huy vai trò HTX, công ty gắn kết chặt chẽ với HTX trong các khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ. Với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT cùng Hội Nông dân tỉnh, các phòng NN&PTNT, Hội Nông dân huyện và chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò tuyên truyền, bảo hộ, đảm bảo thực thi hợp đồng liên kết với các điều khoản rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng thu mua, giá cả, cung ứng đầu vào, cam kết… Giai đoạn 2022-2025, ít nhất có 10 HTX kiểu mới được thành lập trong vùng nguyên liệu rau màu, cây ăn trái liên kết với Công ty Antesco. Con số này sẽ tiếp tục nhân rộng khi phát huy hiệu quả.
“An Giang có khoảng 50.000ha trồng rau màu với hơn 1 triệu tấn mỗi năm. Chúng tôi mong rằng, từ mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hiệu quả của Antesco, sẽ có thêm nhiều DN đầu tư xây dựng chuỗi giá trị rau màu, đảm bảo đầu ra, giúp nông dân thu nhập ổn định” - Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm kỳ vọng. |
NGÔ CHUẨN