Lưu tâm ứng phó sự cố hóa chất

28/12/2022 - 04:29

 - Sau 2 năm hoãn kế hoạch do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giữa tháng 12/2022, An Giang lần đầu tiên tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất quy mô cấp tỉnh. Thời gian chuẩn bị cho đợt diễn tập khá gấp rút, nhưng các cơ quan, đơn vị đã phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ dược giao.

Tích cực tổ chức diễn tập

Hóa chất rất thiết yếu, được sử dụng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và y tế.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu về hóa chất ngày càng tăng cao. Hoạt động sản xuất - kinh doanh, vận chuyển, tồn trữ và sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng về số lượng và quy mô.

Tuy nhiên, hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm đối với sức khỏe con người và môi trường; gây ra nguy cơ mất an toàn và xảy ra sự cố. Thực tế cho thấy, hàng loạt sự cố hóa chất diễn ra thường xuyên, mức độ thiệt hại ngày càng lớn.

Nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, kịp thời xử lý, giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố hóa chất lớn xảy ra vượt ngoài tầm kiểm soát; ứng phó của cơ sở có hoạt động hóa chất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg, ngày 5/3/2013; Quyết định 26/2016/QĐ-TTg, ngày 1/7/2016; Quyết định 04/2020/QĐ-TTg, ngày 13/1/2020, liên quan nội dung này. Trong đó, quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về xây dựng kế hoạch; diễn tập, tập huấn, đào tạo, trang bị phương tiện phục vụ phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh khảo sát, chọn Nhà máy thuốc bảo vệ thực vật Châu Thành (trực thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) làm địa điểm diễn tập.

Nhiều ngày liên tiếp, các đơn vị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên nhà máy; triển khai kịch bản chi tiết; tổng duyệt chương trình diễn tập thực binh, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị; chuẩn bị hiện trường…

Tình huống giả định diễn tập là xử lý sự cố tràn đổ và cháy hóa chất dung môi trong kho chứa nguyên liệu của Nhà máy thuốc bảo vệ thực vật Châu Thành. Theo đó, lực lượng tham gia diễn tập khoảng 150 người, gồm: Công nhân, lãnh đạo nhà máy; cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; y tế; cán bộ, chiến sĩ, dân quân địa phương; cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương An Giang.

Ban lãnh đạo nhà máy báo cáo tình hình sự cố cho cơ quan chức năng địa phương, đề nghị tăng cường lực lượng hỗ trợ. Sau đó, Ban Chỉ đạo diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh chỉ thị các cơ quan chức năng liên quan xuống hiện trường, tổ chức lực lượng nhanh chóng khoanh vùng, ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả.

Phòng ngừa vẫn là “thượng sách”

Tình huống giả định trên, nếu xuất hiện thật sự, sẽ phát sinh lượng lớn khí độc và chất độc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đời sống người dân xung quanh khu vực. Cùng với đó là thiệt hại tài sản, vật chất rất lớn cho đơn vị, doanh nghiệp (DN).

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập bày tỏ: “Qua cuộc diễn tập, chúng tôi gặt hái nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình triển khai cơ chế ứng phó với sự cố hóa chất, từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Những kinh nghiệm này là cơ sở cho DN có hoạt động hóa chất, cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó; hạn chế rủi ro, không để thiệt hại lớn về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường tự nhiên”.

Theo ông Hùng, đối với DN có hoạt động hóa chất, cần xem công tác phòng ngừa sự cố có ý nghĩa quan trọng, không đợi “mất bò mới lo làm chuồng”. Phòng ngừa ở chỗ, thường xuyên kiểm soát tốt nguồn nguy cơ có thể xảy ra sự cố hóa chất tại đơn vị, hoàn thiện quy trình quản lý an toàn, bố trí nơi lưu chứa hóa chất hợp lý. Mặt khác, DN phải chú trọng huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ, thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó với đủ tình huống sự cố có thể xảy ra, nhanh chóng xử lý kịp thời, giảm thiểu hậu quả đến mức thấp nhất.

Việc diễn tập còn hướng đến nâng cao chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước từ cơ sở đến tỉnh. Các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn tại cơ sở có hoạt động hóa chất (nhất là nơi tồn trữ hóa chất quy mô lớn, đặc tính nguy hiểm); kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn và hỗ trợ họ phòng ngừa, ứng phó với sự cố. Thiếu sự phối hợp, hoặc phối hợp thiếu chặt chẽ giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước sẽ góp thêm nguy cơ về sự cố hóa chất.

Không chỉ vậy, công tác đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho hoạt động ứng phó sự cố hóa chất cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa, trong DN, cơ quan chức năng (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn; lực lượng vũ trang, ngành y tế, tài nguyên và môi trường, chính quyền địa phương…). Từ đó, góp phần tăng tính chủ động, kịp thời, hiệu quả cho công tác này, ở nhiều quy mô khác nhau.

GIA KHÁNH