Lý do người Nhật ít tập thể dục nhưng vẫn gầy và sống lâu

09/07/2023 - 08:16

Người Nhật ăn nhiều cá, có bữa sáng tươm tất, sống trong môi trường trong lành, ít tiếng ồn.

Theo Worldometers, Nhật là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới (85 tuổi), cụ thể, nam giới đạt mức gần 82 tuổi, nữ giới đạt 88 tuổi. 

Theo các nhà chuyên môn, sống lâu phụ thuộc vào 2 yếu tố: chế độ ăn uống và luyện tập. Nhưng thực tế, người Nhật không thích thể thao và thường không có thói quen vận động. Theo tạp chí y khoa The Lancet, Nhật Bản xếp thứ 11 trong danh sách các nước lười tập thể dục nhất thế giới với hơn 60% dân số hoạt động thể chất dưới mức trung bình.

Vậy tại sao người Nhật không thích thể thao mà vẫn sống lâu và có vóc dáng mảnh mai? 

Ăn nhiều thực phẩm sống hoặc luộc, hấp

Sashimi làm từ hải sản tươi sống là món ăn phổ biến của người Nhật. Ảnh: Mashed

Người Nhật chủ yếu ăn các món ít calo, ít sử dụng gia vị và hạn chế tối đa chất béo. Cách chế biến tương đối đơn giản, chủ yếu là hấp, luộc hoặc ăn sống giữ được nhiều nhất hàm lượng dinh dưỡng và hương vị thực phẩm. 

Người Nhật cũng thích ăn đồ chiên rán, chẳng hạn như món tempura (hải sản, rau, củ tẩm bột và chiên ngập dầu). Tuy nhiên, khi được bày ra đĩa, thành phẩm thường đã thấm hết dầu bằng loại giấy chuyên dụng. 

Bữa ăn đa dạng, nhiều cá 

Người Nhật rất coi trọng truyền thống ngày 3 bữa, thức ăn chính là cá và rau củ, họ chú trọng đến sự đa dạng và tươi ngon của nguyên liệu. Phụ nữ Nhật Bản thường mua nhiều loại cá, rau, trái cây; ít mua thịt đỏ, các thực phẩm chế biến sẵn. 

“Ăn 30 loại nguyên liệu mỗi ngày” là khuyến nghị của Bộ Y tế Nhật Bản đưa ra trong Hướng dẫn chế độ ăn uống lành mạnh. Các món quen thuộc của Nhật gồm cá hấp, sashimi hoặc cá nướng ăn kèm với đậu phụ, rau luộc. Ngoài ra, họ còn kết hợp cơm với súp miso, dưa chua, rong biển. 

Là quốc đảo nên người Nhật hình thành thói quen ăn cá, ít ăn các loại gia súc do chi phí đắt hơn. Điều đó cũng tốt cho cơ thể do thịt đỏ dễ dẫn đến béo phì. Trong khi đó, cá giàu chất dinh dưỡng, chất béo tốt. 

Đĩa nhỏ, chỉ ăn no 80% 

Mặc dù người Nhật ăn nhiều loại thực phẩm nhưng số lượng của mỗi món rất ít. Bữa tối kaiseki truyền thống được bày trên những chiếc đĩa nhỏ. Họ kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn đưa vào cơ thể, nhai chậm khi ăn và chú ý chỉ ăn no tối đa 80%. Điều này không chỉ có lợi cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ của dạ dày mà còn tạo cảm giác no lâu. Dạ dày không bị quá tải mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể mỗi ngày.

Ăn sáng tươm tất 

Bữa sáng của người Nhật thường có nhiều món. Ảnh: Sakura

Trong văn hóa Nhật Bản, bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày, dù ăn nhiều cũng ít làm tăng cân. Dù con đi chơi hay đi học, người mẹ đều muốn con ăn xong bữa sáng ở nhà. 

Theo Aboluowang, Nhật Bản có nhịp sống nhanh hơn nhưng người dân không có thói quen mua đồ ăn nhanh. Vào bữa trưa, nhiều người mang theo cơm hộp bento, hạn chế ăn bên ngoài. Đồ ăn nhanh thường chứa nhiều calo, chất béo và nguyên liệu có thể không tươi dễ gây ra nhiều mối đe dọa với sức khỏe như tăng huyết áp, mỡ máu. 

Thói quen đi bộ và đạp xe 

Đây là hai hình thức di chuyển phổ biến ở Nhật Bản. Nếu mất 8 phút đi ô tô và nửa giờ để đi bộ đến một địa điểm, nhiều người Nhật sẽ chọn đi bộ. Trẻ em ở Nhật Bản chủ yếu tự đi đến trường. 

Nhân viên văn phòng Nhật Bản cũng dành nhiều thời gian để đi bộ mỗi ngày. Với sự phát triển của giao thông công cộng, họ dành trung bình 1 hoặc 2 giờ để đi bộ tới bến tàu, các địa điểm thay vì đi phương tiện cá nhân, taxi đắt đỏ. 

Đạp xe đã được chứng minh giúp cho dây chằng trở nên dẻo dai hơn, đẩy nhanh đốt cháy calo trong cơ thể. Ngoài ra, Nhật Bản có rất nhiều đồi dốc nên việc đi bộ cũng là dạng tập luyện tốt. 

Không khí trong lành

Những người sống ở nơi có môi trường trong lành và ít ô nhiễm sống lâu hơn. Các con đường và ngõ hẻm của Nhật Bản thường rất sạch sẽ và ít tiếng ồn. Người Nhật hạn chế bóp còi xe, nói chuyện lớn tiếng ngoài đường. 

Ô nhiễm môi trường sẽ có ảnh hưởng xấu nhất định đến phổi và gan của chúng ta trong khi ô nhiễm tiếng ồn dễ làm tăng huyết áp, gây ra các bệnh về tim mạch và mạch máu não. 

Theo AN YÊN (Vietnamnet)