Mẫu hóa thạch có kích cỡ bằng ngón tay tồn tại cách đây 308 triệu năm được khai quật tại Mỹ đã làm sáng tỏ tập tính đào bới của những sinh vật giống như khủng long nhỏ có thể là tổ tiên của loài bò sát. Ảnh: france24.com
Mẫu hóa thạch tồn tại trong trong vùng đầm lầy là miền Trung nước Mỹ ngày nay có kích thước khoảng 5 cm. Do có kích thước nhỏ, loài mới này được các nhà nghiên cứu đặt tên là Joermungandr bolti.
Loài sinh vật mới thuộc loại microsaur, những động vật nhỏ giống như thằn lằn tồn tại trên Trái Đất trước khi những con khủng long “đích thực” xuất hiện. Microsaur sống trong Kỷ Than đá khi các tổ tiên của loài bò sát và động vật có vú hiện đại, còn gọi là động vật có màng ối, xuất hiện lần đầu tiên.
Phát hiện mới đã làm sáng tỏ sự tiến hóa của nhiều nhóm động vật khác nhau, trong đó có loài bò sát và động vật lưỡng cư. Ông Arjan Mann, đồng tác giả nghiên cứu thuộc Viện Smithsonian, cho biết giới khoa học chưa rõ nhiều chi tiết về giai đoạn chuyển tiếp này và microsaur mới đây trở thành yếu tố quan trọng giúp con người hiểu được nguồn gốc của động vật có màng ối. Nhiều trong số microsaur này được cho là tổ tiên của loài động vật lưỡng cư hoặc tổ tiên của loài bò sát.
Ngược lại những giả thuyết trước đây xếp các loài microsaur vào loài động vật lưỡng cư có da mềm được bảo vệ bởi chất nhầy, nhóm nghiên cứu phát hiện Joermungandr có vảy giống như loài bò sát. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật tạo ảnh có độ nhạy cao gọi là Kính hiển vi điện tử quét (SEM) để tìm hiểu kỹ hơn về mẫu hóa thạch gần như hoàn hảo trên.
Họ phát hiện ra những đặc điểm như thân dài, hộp sọ cứng cáp… tương tự như của loài bò sát hiện đại đào đất, dẫn đến giả thuyết Joermungandr cũng có khả năng đào bới. Theo ông Mann, nghiên cứu không những cho thấy các loài microsaur có thể là họ hàng của loài bò sát mà khả năng đào bới có thể chứng tỏ chúng có nguồn gốc từ động vật có màng ối, khác so với giả thuyết ban đầu.
Theo NGUYỄN HẰNG (Báo Tin Tức)