Trước khi hội thảo, các đại biểu tham quan ruộng mô hình và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc cho bà con nông dân ngay tại ruộng mô hình. Sau buổi trao đổi, bà con đã nhận ra những kỹ thuật canh tác mới của công ty cần được áp dụng ngay trên vườn cà phê của mình, không những cho năng suất cao trong vụ này, mà còn giữ được vườn cây khỏe cho nhiều năm sau.
Hội nghị đã được sự quan tâm và ủng hộ của bà Hờ Thị Thanh Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La; ông Tòng Văn Vui, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Sơn La, Ban Xây dựng Hội Nông dân tỉnh Sơn La; Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn la; ông Cà Văn Quân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hula và hơn 70 nông dân trực tiếp trồng cà phê của xã.
Tại buổi hội thảo, sau khi nghe TS. Phạm Anh Cường, Phó Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” nêu rõ mục tiêu và chia sẻ với bà con nông dân sản xuất cà phê trước những hậu quả của biến đổi khí hậu đã gây ra. Cụ thể, hạn hán kéo dài trong năm 2024 đã ảnh hưởng nặng đến sinh trưởng phát triển của cây cà phê của tỉnh và các biện pháp kỹ thuật ứng phó hiện tại và trong tương lai.
KS. Nguyễn Huyền Trang, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La trao đổi kinh nghiệm sử dụng phân bón Đầu Trâu cho cà phê chất lượng cao với nông dân bản Lụa
Cũng trong buổi hội thảo, TS. Tôn Nữ Tuấn Nam, thành viên Hội đồng Khoa học Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã trao đổi những kỹ thuật canh tác có hiệu quả trên cây cà phê đang được ứng dụng trong chương trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu của công ty tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tham gia hội thảo, KS. Nguyễn Huyền Trang, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã hướng dẫn kỹ thuật, cũng như các biện pháp khắc phục những tồn tại trong quá trình canh tác cà phê, mà bà con nông dân còn vướng phải. Các ý kiến chia sẻ cách làm của nông dân trong sản xuất cũng là những thông tin quý báu để các chuyên gia biết được những hạn chế trong tập quán sản xuất cà phê chè hiện nay, vốn được xem là cây trồng thế mạnh của tỉnh.
Đại diện một nông dân cho biết, bà con thường bón 2 lần /năm. Lần 1, bón phân chuồng vào khoảng tháng 2 đến tháng 3, khi đất còn ẩm hoặc vào đầu mùa mưa; lượng bón cũng tùy điều kiện có nhiều hay ít, thường từ 2-3 tấn phân trâu bò/ha. Lần bón phân thứ 2 là trong mùa mưa, mỗi gốc khoảng 200 gr phân NPK, thường là NPK 5-10-3 hoặc NPK 12-5-10.
Với cách bón như vậy là chưa hợp lý. Theo TS. Nam, ngoài hữu cơ Đầu Trâu Trichophos và Đầu Trâu CaPhos, vào đầu mùa mưa tối thiểu bà con cũng phải bón 1 đợt phân NPK 22-6-4 +TE và trong mùa mưa cũng phải bón được 2 lần loại phân NPK 15-4-18 + TE của Công ty Bình Điền Ninh Bình có hàm lượng kali cao, với lượng bón từ 300-400 kg/lần cho cà phê chè mới đảm bảo năng suất và chất lượng tốt.
Ông Hoàng Văn Thạnh, đại lý cấp 2, người cung cấp phân bón Đầu Trâu tại Sơn La cho biết hàng năm gia đình bán ra trên 200 tấn phân bón Đầu Trâu các loại, được các nông dân sử dụng phân bón Đầu Trâu phản hồi là sau khi bón phân Đầu Trâu cây cà phê có bộ lá xanh bền, năng suất và chất lượng hạt tốt, đặc biệt là hoàn toàn yên tâm về chất lượng phân bón, không lo hàng giả, hàng nhái.
Bà Nguyễn Thị Tuyển, giới thiệu tính ưu việt của phân bón chuyên dùng Đầu Trâu cho cây cà phê chè Sơn La
Bà Nguyễn Thị Tuyển, Giám đốc Công ty TNHH Lân Tuyển, nhà phân phối phân bón Đầu Trâu lớn nhất tại tỉnh Sơn La cho biết, qua gần 20 năm phân phối phân bón Đầu Trâu tại tỉnh, sản lượng bán ra của công ty luôn tăng, điều này minh chứng cho sự tin tưởng của bà con nông dân vào phân bón Đầu Trâu thông qua năng suất và chất lượng nông sản làm ra luôn cao hơn với cách bón phân cũ. Cụ thể, khi bón phân thông thường cho cà phê, 1 bao cà phê tươi có khối lượng chỉ từ 43-44 kg, nhưng khi sử dụng phân bón Đầu Trâu khối lượng có thể đạt từ 47-50 kg/bao.
Cuối hội thảo, ông Tòng Văn Nghiên, Trưởng bản Lụa, xã Hula mong muốn Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, Hội Nông dân tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con nông dân dần thay đổi cách làm cũ để sản xuất cà phê ngày một tốt hơn. Sau buổi tập huấn, ông sẽ về hướng dẫn lại cho bà con trong bản về kỹ thuật sử dụng phân bón Đầu Trâu cho cây cà phê có hiệu quả hơn.
TS. PHẠM ANH CƯỜNG