Mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu

07/11/2022 - 06:30

 - Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL” giai đoạn 2022-2024 ở An Giang được thực hiện với diện tích 50ha. Sau thời gian triển khai, mô hình được nông dân tham gia đánh giá cao.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên, giai đoạn 2022-2024, Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL”. Dự án thực hiện trên địa bàn 4 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Long An, với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng dụng gói kỹ thuật đồng bộ từ gieo cấy đến thu hoạch, tạo sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Dự án xây dựng 12 mô hình, quy mô 50ha/mô hình; thực hiện cấp mã số vùng trồng 12 mô hình tương đương quy mô 600ha khi đạt đủ điều kiện; đồng thời xây dựng 4 mô hình hợp tác xã (HTX) liên kết với doanh nghiệp (DN) trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

“Năm 2022, An Giang có 1 dự án xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL giai đoạn 2022-2024. Mô hình do Trung tâm Khuyến nông An Giang làm chủ đầu tư, diện tích 50ha; đơn vị liên kết thu mua là Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời, thực hiện vào vụ thu đông năm 2022. Thực tiễn cho thấy, mô hình giúp nông dân yên tâm canh tác do DN đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo lợi ích thiết thực giữa các bên tham gia liên kết. Đồng thời, giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Khi tham gia mô hình, nông dân được công ty đầu tư toàn bộ dịch vụ cơ giới hóa, phun thuốc bằng máy bay không người lái (Drone). Tất cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất, nông dân đều được công ty ký kết hợp đồng tạm ứng, cuối vụ sẽ trừ lại khi thu mua” - bà Huỳnh Đào Nguyên thông tin.

Mô hình dự án sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL giai đoạn 2022-2024 tại xã Vọng Đông

Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông An Giang vừa đến tham quan mô hình dự án sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu ĐBSCL giai đoạn 2022-2024, tại xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn). Theo đó, đoàn đã đến thăm mô hình vùng nguyên liệu lúa gạo tại HTX Sơn Hòa. Đây là mô hình đưa cơ giới hóa vào toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp và có sự liên kết với Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời).

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông nghiệp Sơn Hòa Phan Thành Bắc cho biết: “HTX có 31 thành viên tham gia và ký liên kết với Tập đoàn Lộc Trời được 2 năm. Hiện, HTX nông nghiệp Sơn Hòa đang liên kết diện tích 650ha vụ thu đông. Trung bình 1 năm, HTX chúng tôi liên kết 19.500-20.000ha. Theo đó, phía công ty yêu cầu HTX, nông dân phải tuân thủ hướng dẫn, quy trình kỹ thuật do công ty đưa ra. Trước thu hoạch 10-15 ngày, công ty “chốt giá” với nông dân nên không có tình trạng ép giá. Thực hiện mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, HTX tham gia với diện tích 50ha. Toàn bộ quá trình sản xuất đều sử dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng. Bên công ty cung cấp vật tư nông nghiệp và bao tiêu theo giá thị trường”.

Việc khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, tham gia vào chuỗi liên kết giá trị và phát triển thị trường với vai trò “trụ cột” là hạt nhân chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt, đưa khoa học - công nghệ vào chuỗi giá trị. Qua đó, góp phần tăng năng suất, tăng sản lượng lúa trên cùng 1 diện tích, giúp người nông dân thay đổi tư duy canh tác truyền thống, vì gắn với tiêu thụ là đồng bộ tất cả các khâu sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong canh tác lúa, giá lúa tiêu thụ thuận lợi. DN thu mua từ bằng đến cao hơn giá thị trường. Theo bà Huỳnh Đào Nguyên, mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu của An Giang đang trong quá trình sản xuất vụ thu đông. Qua kinh nghiệm các vùng khác (đã bước vào thu hoạch) thì năng suất tăng 10%, chi phí sản xuất giảm 10-15%.

“Trước đây, người trồng lúa còn vất vả, khốn khó trăm bề. Đầu vụ, nhà nào có tiền còn chủ động được vật tư, nhà không có phải mua thiếu các đại lý. Từ giống lúa, phân thuốc, dịch vụ bơm tưới, máy cày, máy gặt đều chờ đến cuối vụ mới có tiền trả. Làm ra hạt lúa, người nông dân rất vất vả nhưng lúc có giá thì không có người mua, lúc sụt giá thì bị cò, thương lái ép giá. Tham gia HTX, ngoài những chính sách cung ứng vật tư đến cuối vụ mới thu tiền mà không tính lãi, nông dân an tâm khi đầu ra được công ty bao tiêu. Quá trình canh tác lúa không còn cực như xưa. Nhờ cơ giới hóa toàn bộ, 1 người có thể canh tác với diện tích 40 công đất là bình thường, không mất nhiều thời gian như xưa” - anh Phan Thành Bắc chia sẻ thêm.

“Mặt ruộng không dấu chân” là đồng bộ cơ giới hóa từ đầu đến cuối vụ. Từ sạ lúa, bón phân, phun thuốc, tất cả các khâu từ làm đất đến thu hoạch đều được cơ giới hóa hoàn toàn. Hình thức liên kết này đã giúp tiết kiệm giống, giảm lượng phân bón, thuốc hóa học, chi phí so với sản xuất truyền thống. Việc liên kết bao tiêu sản phẩm đã tạo thuận lợi cho địa phương tổ chức mùa vụ một cách chủ động, được bao lợi nhuận và giúp nâng cao giá trị gia tăng trên toàn chuỗi liên kết sản xuất.

PHƯƠNG LAN