Mô hình trồng nhãn Ido kết hợp mít Thái

19/06/2020 - 04:09

 - Mặc dù mới triển khai nhưng mô hình trồng mít Thái xen nhãn Ido và sầu riêng áp dụng phương pháp tưới tự động của bà Trương Thị Diệu (xã Tân An, TX. Tân Châu, An Giang) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này mở ra hướng đi mới trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận cho nông dân.

4 năm trước, gia đình bà Trương Thị Diệu đến xã Tân An (TX. Tân Châu) để lập nghiệp. Sau khi tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp, nhất là những mô hình làm ăn hiệu quả tại địa phương cũng như tại quê nhà (Tiền Giang), đồng thời được người thân động viên, bà Diệu quyết định thuê đất, lập vườn cây ăn trái, trồng kết hợp các loại cây ăn trái như: sầu riêng Ri6, nhãn Ido, mít Thái trên diện tích khoảng 27 công đất.

Bà Diệu cho biết, không như nhiều loại cây ăn trái khác, nhãn Ido nhẹ chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc, rất phù hợp với thổ nhưỡng. Ngoài ra, loại nhãn này có khả năng kháng bệnh cao, ít bị sâu bệnh và ít rụng trái non nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đặc biệt, loại cây trồng này giá bán khá ổn định và được thị trường ưa chuộng. Còn mít Thái, bà Diệu cho biết, đây là loại cây dễ trồng, cho trái quanh năm. Cây mít Thái ít sâu bệnh, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp, năng suất, lợi nhuận cao.

Mô hình xen canh cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình bà Trương Thị Diệu

Theo bà Diệu, việc kết hợp trồng nhiều loại cây ăn trái trong vườn sẽ tận dụng tối đa thời gian và quỹ đất. Nếu mít Thái chỉ mất khoảng 2 năm từ lúc trồng đến thu hoạch thì nhãn Ido cần ít nhất 3 năm, còn cây sầu riêng cần khoảng 5 năm. Chi phí sau khi thu hoạch, mít sẽ được sử dụng để đầu tư chăm sóc cho các loại cây trồng khác nên nông dân giảm đáng kể chi phí sản xuất. Ngoài ra, với việc đa dạng hóa các loại cây trồng đã giúp gia đình bà Diệu không bị phụ thuộc vào 1 loại cây trồng duy nhất.

Để đạt hiệu quả cao trong quá trình sản xuất, gia đình bà Diệu thường xuyên học hỏi thêm kinh nghiệm, trau dồi kiến thức từ những mô hình sản xuất hiệu quả, đồng thời mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, bà Diệu đã áp dụng công nghệ tưới phun mưa tự động cho vườn cây ăn trái của gia đình, giúp tiết kiệm rất nhiều công sức và thời gian. Tưới tự động dưới dạng phun mưa sẽ giúp lượng nước được rải đều toàn bộ diện tích đất, tránh tình trạng bị hồ mặt đất, không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, góp phần rất lớn vào việc nâng cao năng suất vườn cây so với cách tưới truyền thống. “Trung bình 1 liếp chỉ mất khoảng 15 phút để tưới. Do đó, tiết kiệm khá lớn chi phí điện so với tưới truyền thống. Ngoài ra, việc tưới tiêu được thực hiện tự động nên không mất nhiều công sức” - bà Diệu chia sẻ

“Hiện vườn nhà tôi có 400 gốc nhãn, 500 gốc sầu riêng và 700 gốc mít. Vừa qua, gia đình tôi thu hoạch đợt nhãn đầu tiên với năng suất 3 tấn trái, bán cho thương lái với giá 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Vụ này, năng suất ước đạt gấp đôi so vụ đầu tiên do nhãn đã lớn, tán nhiều. Bên cạnh thu hoạch trái nhãn, việc thu hoạch mít Thái đã tạo thu nhập đáng kể cho gia đình tôi thời gian qua. Với mỗi cây mít, tôi chừa từ 1-2 trái. Trọng lượng mỗi trái đạt trên 10-18kg. Mặc dù giá mít thời gian qua có nhiều biến động nhưng vẫn tạo thu nhập ổn định cho gia đình” - bà Diệu thông tin.

Hiện nay, bà Diệu đang đầu tư kinh phí để chăm sóc cho các gốc sầu riêng Ri6 được 4 năm tuổi. Đây là giống sầu riêng đang được thị trường ưa chuộng bởi trái có ưu điểm cơm vàng, hạt lép, phẩm chất ngon. Mô hình hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình bà Diệu trong thời gian tới.

Với tư duy sản xuất mới, mạnh dạn đưa những giống cây trồng phù hợp để canh tác, mô hình trồng nhãn Ido kết hợp mít Thái là hướng đi giúp bà con nông dân có thể nâng cao thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích đất.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An Nguyễn Văn Diệu cho biết, mô hình trồng nhãn Ido kết hợp mít Thái bước đầu cho thấy hiệu quả cao. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và thị trường tiêu thụ, góp phần đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, giúp bà con nông dân cải thiện cuộc sống.

ĐỨC TOÀN