Lợi thế hợp tác
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một trong những tập đoàn nước ngoài đang triển khai đầu tư quy mô lớn tại Campuchia, với hơn 16 năm kinh nghiệm. Ông Oknha Leng Rithy, Trưởng Văn phòng đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Campuchia, đồng thời là thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Vương quốc Campuchia cho biết, mô hình xây dựng vùng nguyên liệu cao su rộng 100.000ha của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Campuchia được xem như sứ giả của tình hữu nghị Campuchia - Việt Nam.
Bản thân ông Oknha Leng Rithy cũng mong muốn trở thành sứ giả kết nối doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư tại Campuchia, đặc biệt là DN chuyên về lúa gạo như Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và DN chuyên về thủy sản như Tập đoàn Nam Việt của An Giang. Đây là những lĩnh vực mà Campuchia còn nhiều dư địa phát triển.
“Lợi thế của đất ruộng ở Campuchia là rộng lớn, mặt ruộng bằng phẳng, thuận lợi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, Campuchia hiện còn hơn 700.000ha canh tác rất phí phạm, chủ yếu xuống giống tự nhiên theo mùa mưa, năng suất thấp. Đối với thủy sản, nếu như trước đây, Tonle Sap (Biển Hồ) cung cấp nguồn thủy sản nước ngọt tự nhiên rất lớn thì giờ đã sụt giảm mạnh, người dân Campuchia phải nhập cá nuôi từ Việt Nam sang sử dụng (trong đó An Giang cung ứng số lượng lớn). Chính phủ Campuchia đang đẩy mạnh di dời dân sống trên mặt hồ Tonle Sap lên bờ, nhu cầu tìm kiếm sinh kế ổn định thay cho nghề đánh bắt thủy sản tự nhiên trước đây rất lớn, trong đó nghề nuôi trồng thủy sản là hướng đi phù hợp”- ông Oknha Leng Rithy phân tích.
An Giang phát triển nghề nuôi, chế biến thủy sản
Trong chuyến thăm, làm việc tại An Giang, ông Oknha Leng Rithy cùng đoàn công tác của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia đặc biệt ấn tượng với quy mô phát triển, trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất của Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Nam Việt.
“Chúng tôi từng đi tìm kiếm đối tác đầu tư ở Thái Lan, Malaysia, nhưng nhận thấy tiềm năng lớn và thuận lợi nhất vẫn là các DN Việt Nam, đặc biệt là DN ở những địa phương có đường biên giới dài tiếp giáp Campuchia như An Giang. Những vùng đất có tiềm năng phát triển ngành hàng lúa gạo, nuôi trồng thủy sản của Campuchia cũng gần An Giang, trong khi An Giang lại có nhiều kinh nghiệm và đạt thành tựu lớn trong lĩnh vực này” - ông Oknha Leng Rithy nhấn mạnh.
An Giang sẵn sàng hỗ trợ
Vui mừng được đón tiếp ông Oknha Leng Rithy và đoàn công tác Campuchia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh An Giang duy trì mối quan hệ hợp tác truyền thống, đoàn kết hữu nghị từ lâu đời với Campuchia, nhất là 2 tỉnh giáp biên (Takeo và Kandal); các bên triển khai hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Mới đây, tỉnh An Giang đã tiếp và làm việc với đoàn đại biểu tỉnh Kampong Chhnang (Campuchia) do Tỉnh trưởng Sun Sô Vanh Na Rít dẫn đầu. Hai bên đã trao đổi, thảo luận về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và thủy sản. Trong đó, tỉnh Kampong Chhnang đề nghị An Giang hỗ trợ đào tạo kỹ thuật nhân giống và nuôi tôm nước ngọt thương phẩm.
Chuyến thăm của đoàn công tác Campuchia đến tỉnh An Giang mở ra nhiều cơ hội hợp tác
Trước đề nghị của đoàn công tác Campuchia về giới thiệu DN hợp tác đầu tư, hỗ trợ Campuchia về kỹ thuật canh tác lúa, nuôi trồng thủy sản, ông Trần Anh Thư cho biết, An Giang rất sẵn sàng. “Nông dân Campuchia lâu nay canh tác lúa thuận tự nhiên, dù năng suất thấp nhưng tạo ra sản phẩm gạo an toàn. Khi ứng dụng cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác mới để tăng năng suất, sản lượng, tôi đề nghị ngành nông nghiệp Campuchia nên định hướng theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, thân thiện môi trường, không nên lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, sẽ phá hủy hệ cân bằng sinh thái.
Đây là câu chuyện mà An Giang đã có bài học kinh nghiệm. Tập đoàn Lộc Trời đang đẩy mạnh triển khai mô hình canh tác lúa gạo bền vững (SRP), mặt ruộng không dấu chân. Khi triển khai hợp tác đầu tư, xây dựng trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và điểm trình diễn ở Campuchia, DN An Giang sẽ giới thiệu, chuyển giao những kỹ thuật này” - ông Thư thông tin.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh phải mất hàng chục năm mới phát triển được nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản như hiện nay, đặc biệt là cá tra. “Muốn nuôi thủy sản, trước hết phải có hệ thống thủy lợi đảm bảo; quá trình tập huấn, hướng dẫn cho người dân để chuyển tư duy từ đánh bắt thủy sản tự nhiên sang nuôi trồng cũng mất nhiều thời gian. Một vấn đề khác là phải sản xuất được con giống chất lượng; có DN đồng hành từ khâu liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho đến thu mua, chế biến thủy sản. An Giang cũng sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ Campuchia trong lĩnh vực này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh.
Cùng với sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh An Giang, tiềm năng hợp tác đầu tư của DN An Giang ở Campuchia cũng rộng mở khi trong chuyến thăm, làm việc tại An Giang, đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Nam Việt, khảo sát các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, vùng nuôi cá, nhà máy chế biến… để trao đổi về tiềm năng, cơ hội hợp tác tại Vương quốc Campuchia.
Để hợp tác mang tính bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU). An Giang sẽ thực hiện các công việc theo nhiệm vụ được phân công, trong đó có hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cho Campuchia
|
NGÔ CHUẨN