Cảm xúc hơn ba mươi năm trước tràn về, mưa đầu mùa năm xưa trên bờ đê xanh mướt rau đắng đồng. Những ngọn non tơ, mập mạp mọc đầy hai bên bờ ruộng, chị em tôi tha hồ hái, loại này chỉ đem về rửa sạch là ăn, không phải nhặt lại. Quê tôi ngoài lúa gạo, cá tôm... thiên nhiên còn ưu đãi các loại rau đồng, dẫu không phải trồng nhưng chỉ cần bước ra khỏi cửa là đã có đủ rau xanh để cả gia đình ăn thỏa thích. Má tôi thỉnh thoảng mới đi chợ mua miếng thịt heo, ở nhà hai tuần vẫn có được những mâm cơm tuy đạm bạc mà ngon tuyệt, cả chuỗi ký ức êm đềm không thể nào quên.
Có những loại rau nếu không biết thì người ta cứ tưởng là cỏ, thực đơn rau đồng cả hai tuần chưa phải lặp lại, rất trù phú và đa dạng nhất là trong mùa mưa. Má tôi nói rau đồng chứa biết bao vị thuốc nam rất tốt cho sức khoẻ vì thế chị em tôi cứ mạnh cùi cụi không bị bệnh vặt. Bây giờ, có một số rau đồng không tìm thấy nữa nhưng hương vị vẫn còn trên đầu lưỡi...
Đầu tiên tôi giới thiệu cùng các bạn món rau bợ, loại rau này sống bán thủy sinh cập bờ ruộng, xinh xinh như cỏ ba lá, tương tự cây me đất nhưng không chua mà ngọt như rau ngót và mùi tựa rau diếp cá. Má tôi thường nấu canh rau bợ với cá rô đồng rất ngon, lâu lắm rồi tôi không được thưởng thức món canh này, ăn rau bợ sống chấm nước cá kho cũng tuyệt vời. Ngoài ra, còn có thể phơi khô pha trà uống thanh nhiệt, lợi tiểu, trị ngứa, rôm sảy.
Má đi chợ mua miếng thịt ba chỉ lớn về luộc, ra vườn hái trái đu đủ hườm trên cây vô trộn mắm tép do chính tay ba làm, rồi hái cải trời với cải mặt trăng trước nhà ăn kèm. Hai loại này có mùi đặc trưng kiểu vị thơm của thuốc nam, đọng một chút ngai ngái của hương cỏ quyện đất. Đây cũng là thiên nhiên ban tặng, tự mọc chung trong đám cỏ chẳng phải trồng, ba tôi nói là cải trời cho: vừa lành, vừa mát rất nên thuốc. Ba chị em hái được một rổ to tướng, một phần để ăn sống, hai phần nấu với tôm khô và nước luộc thịt là có ngay bữa cơm ngon lành. Hôm ba bị đứt tay, ngắt lá cải trời nhai rồi đắp lên cầm máu ngay và mau liền vết thương.
Giàn mướp nhà tôi đang đầy hoa vàng rực rung rinh trong nắng, ong, bướm kéo đến dập dìu, những chùm nụ căng tròn, hoa mướp cái để ra trái còn hoa mướp đực ba tôi hái ăn, những đọt non tơ cũng được hái. Má xào bông mướp với tép đất ba vừa đổ xà ngom tươi roi rói, cắn miếng tép ngọt lịm dai dai thêm vị nhân nhẫn bùi bùi thơm thơm của nụ hoa mướp, phần đọt mướp thì ngọt giòn. Má hái lá giấm bên hiên nhà, nấu với cá chốt trứng nêm thêm rau quế là được tô canh chua nóng hổi.
Cua đồng phá lúa, tôi xách cái thùng theo ba ra ruộng bắt cua đồng. Ba làm một cái que sắt dài, bẻ cong một đầu khoảng hai xen ti mét, đi dọc bờ ruộng tìm hang cua. Ba nói: khi thụt vào hang mà nghe tiếng "cụp cụp" là có cua, chỉ cần móc ra bắt bỏ vô thùng. Thời gian ba bắt cua, tôi hái các loại rau về cho má nấu canh rau tập tàng.
Kể sao hết những loại rau đồng quê tôi: rau rệu, rau trai, rau má, rau bợ, mã tiền, mã đề, rau càng cua, rau ngổ, rau đắng đất, rau đắng đồng, rau ngò om ruộng, rau bồng bồng, rau nhút, rau muống, bông bí, bông mướp, bông so đũa, bông súng, ngó sen, long trụ, măng tre, bồ ngót, mồng tơi, dền cơm, dền gai, đọt bình bát, đọt nhãn lồng, đọt khổ qua, đọt khoai lang, đọt bầu, đọt bí, đọt mướp, dưa hường, bắp chuối, năng bộp, lá giang, lá cách, lá lốt, lá giấm, đọt cóc, đọt xoài, đọt điều, đọt xộp, đọt tra, đọt bằng lăng, đọt trâm ổi, lá cát lồi, cải trời, cải mặt trăng, trái bần, trái điều, xoài non... đó là chưa kể vườn rau má tôi trồng.
Rau đồng không thể thiếu khi ăn món mắm kho hay bánh xèo, bánh cống, không có đủ các vị ấy là mất ngon. Xa quê gần ba mươi năm, những hương vị mộc mạc luôn canh cánh bên tôi cùng nỗi nhớ, nó hiện về trong giấc mơ... Lần nào về thăm nhà, tôi luôn được thưởng thức hương vị của ngày xưa, tôi thấy mình như trở lại thời thơ dại. Rau đồng, những hương vị mọc lên từ đất, từ nước ấy đã nuôi lớn tâm hồn chúng tôi với quê nhà, nguồn cội.
Theo LÊ THỊ NGỌC NỮ (Báo Trà Vinh)