Một điểm sạt lở đất gây nguy hiểm đến các hộ dân tại bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN
Anh Quàng Văn Thiêm, người dân bản Na Hý, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết: Lúc khoảng 4 giờ sáng, mọi thành viên trong gia đình anh đang ngủ thì vách đồi phía sau nhà bỗng đổ ụp xuống ầm ầm. Gia đình rất lo lắng, muốn mở cửa chạy ra khỏi nhà nhưng không được vì cửa đã bị chèn nên phải phá vách nhà mới có thể thoát ra ngoài an toàn.
Ông Quàng Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết: Mưa lớn đã làm sạt lở 4 nhà dân ở các bản Tâu, Na Hý, trong đó 2 nhà phải di chuyển khẩn cấp đến nơi an toàn. Cao điểm lúc mưa lớn, nước đã tràn ngập bản Na Hý, có những nhà ở vị trí vùng trũng, nước ngập sâu gần 1 mét. Nhiều diện tích ao cá, đường đi, ruộng lúa của người dân trong bản bị chìm sâu dưới nước lũ. Sau khi nước rút, hơn 3,5 ha lúa của người dân bị xói lở, cuốn trôi; nhiều ao cá bị bùn đất vùi lấp, vỡ bờ, hàng trăm con gia cầm bị lũ cuốn trôi.
Đến thời điểm hiện tại, UBND xã đã cử lực lượng công an và dân quân hỗ trợ các gia đình trong vùng nguy hiểm tháo dỡ nhà cửa để di chuyển đến nơi an toàn hơn. Đồng thời, các lực lượng chức năng vận động nhân dân chủ động theo dõi tình hình mưa lũ, sạt lở để kịp thời sơ tán, di chuyển đồ đạc, tài sản nhằm giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất khi tình huống xấu xảy ra.
Ông Quàng Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Hua Thanh, huyện Điện Biên cho biết, điều mà chính quyền lo lắng hiện nay là toàn xã có 21 hộ dân đang nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, nhưng thời gian qua chính quyền xã chưa bố trí được quỹ đất và kinh phí thực hiện được việc di dời.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với rìa Tây hoàn lưu cơn bão số 4 nên từ đêm 15/8 đến sáng 16/8, tỉnh Điện Biên đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Tổng lượng mưa các nơi trong tỉnh phổ biến từ 15 - 30mm, một số nơi cao hơn như Mường Lói 91mm; Khí tượng Điện Biên 68mm, Tuần Giáo 36mm. Ngoài 4 ngôi nhà ở xã Hua Thanh (huyện Điện Biên) bị sạt lở đất nghiêm trọng; trên địa bàn toàn tỉnh, mưa lũ còn cuốn trôi 6 phai tạm trên các kênh mương nội đồng; 4,5 ha hoa màu bị sạt lở, cuốn trôi; nhiều diện tích ao cá bị lũ quét qua, cuốn trôi, vỡ bờ. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 100 triệu đồng.
Chủ động ứng phó với thiên tai, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành công điện số 05 (ngày 16/8/2018) yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương và các đơn vị quản lý hồ đập thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh.
Đồng thời các lực lượng phải kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt để cảnh báo người dân chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra bảo vệ tại các khu vực xung yếu có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi, đánh bắt cá khi có lũ.
Ban chỉ huy cấp xã huy động lực lượng xung kích, dân quân tự vệ kiểm tra rà soát những vị trí có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có tình huống xấu xảy ra, phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường, báo cáo chính quyền và thông tin đầy đủ để người dân phòng tránh.
Các đơn vị, chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải thực hiện nghiêm quy trình vận hành, phướng án bảo vệ đập, phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập; phải thông báo kịp thời cho người dân vùng hạ du khi hồ chứa xả lũ, có nguy cơ xảy ra sự cố, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng.
Theo TTXVN