Theo các lão nông ở địa phương, trước đây, ở Khánh Hòa được trồng nhiều là giống nhãn Mỹ Đức. Tuy nhiên, ngoài mùi thơm rất đặc trưng thì nhãn Mỹ Đức có điểm yếu là cơm mỏng, năng suất không cao. Do chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao nên giống nhãn Mỹ Đức không được nhân rộng, dần bị lão hóa. Hiện nay, chỉ một số nhà vườn còn giữ lại vài gốc (có gốc nhãn Mỹ Đức trên 120 năm tuổi), để khi đến mùa làm quà gửi tặng bạn bè, người thân như một cách lưu giữ hương vị quê hương.
Hơn 20 năm trước, ông Nguyễn Văn Thẳng (nông dân xã Khánh Hòa) là người đầu tiên mang giống nhãn xuồng cơm vàng từ tỉnh Vĩnh Long về trồng ở Khánh Hòa. Với 10 công đất ruộng được cải tạo lên làm vườn, ông Thẳng trồng thử nghiệm 150 gốc nhãn xuồng cơm vàng trên diện tích 3 công, còn lại 7 công trồng xoài cát Hòa Lộc.
Ông Nguyễn Văn Thẳng là người đầu tiên đem cây nhãn xuồng cơm vàng về trồng ở xã Khánh Hòa
Nhờ mua cây giống tận gốc, được chia sẻ kỹ thuật tận tình, sau thời gian chăm sóc, vườn nhãn xuồng cơm vàng của ông Thẳng thích nghi thổ nhưỡng và phát triển rất tốt. Đến mùa đầu tiên cho trái, ông hái nhãn xuồng cơm vàng đem chia sẻ với người dân ở địa phương và nhận lại những phản hồi tích cực. Ông Thẳng cho biết, khi bắt đầu trồng nhãn xuồng cơm vàng, ngoài chi phí lên liếp, mua cây giống, hầu như các chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu đều rất hạn chế. Cây nhãn xuồng cơm vàng tự sinh trưởng, đậu trái tự nhiên, nông dân chỉ cần bón lót thêm phân hữu cơ (phân bò, phân gà…) để tăng dinh dưỡng, giúp đất tơi xốp, cây hấp thụ tốt.
"Sau khi ghi nhận thực tế từ năng suất, hương vị, khả năng tiếp nhận của thị trường của cây nhãn xuồng cơm vàng, tôi thấy đây là loại cây trồng có triển vọng nên mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi dần diện tích đất nông nghiệp sang trồng nhãn xuồng cơm vàng” - ông Thẳng chia sẻ.
Đến nay, ông Thẳng đã chuyển đổi thêm 10 công đất ruộng, rẫy sang trồng vườn nhãn xuồng cơm vàng, trong đó có 5 công là cây được 10 năm tuổi, diện tích còn lại được 3 năm tuổi, cho thu hoạch đều đặn mỗi năm. Nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt, sau khi trồng 2 năm, cây nhãn xuồng cơm vàng bắt đầu cho thu hoạch. Với diện tích 1.000m2, trồng khoảng 50 gốc, thu hoạch khoảng 500kg, cây càng lớn, tán rộng cho năng suất càng cao.
Từ khoảng tháng 5 đến tháng 7 (âm lịch) hàng năm là thời điểm nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa bắt đầu bước vào thu hoạch chính vụ. Do có nhiều kinh nghiệm trong canh tác nhãn, hầu như năm nào vườn nhãn của ông Thẳng cũng thu hoạch sớm hơn lịch thời vụ, nhờ vậy bán được giá rất cao. Hiện tại, giá nhãn xuồng cơm vàng bán tại vườn 55.000 đồng/kg, còn giá bán lẻ dọc theo tuyến Quốc lộ 91 từ 65.000-70.000 đồng/kg.
“Đối với cây nhãn xuồng cơm vàng, để khiển ra hoa, bà con không cần khắc cành, hay sử dụng thuốc kích thích mà chỉ cần điều chỉnh lịch cắt nước và bón thêm phân là được. Nếu muốn thu hoạch sớm, chỉ cần áp dụng các kỹ thuật sớm hơn là được, tuy nhiên không được quá nửa tháng. Vì nếu khiển quá sớm, cây vẫn chưa đủ sức để tích tụ mầm hoa thì năng suất giảm” - ông Thẳng giải thích.
Hiện nay, Hợp tác xã (HTX) thương mại dịch vụ du lịch nông nghiệp Khánh Hòa (HTX Khánh Hòa) được thành lập, nâng cấp từ Tổ hợp tác nhãn xuồng Khánh Hòa. HTX có 25 hộ tham gia, với diện tích canh tác 41ha và đang trong giai đoạn mở rộng diện tích, tăng thêm thành viên. Việc thành lập HTX góp phần tập hợp, liên kết nông dân trồng nhãn xuồng cơm vàng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để giúp nông dân trồng nhãn yên tâm canh tác, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu nhãn xuồng Khánh Hòa. Là người có nhiều kinh nghiệm, ông Thẳng được mọi người ủng hộ, tín nhiệm, bầu chọn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Khánh Hòa.
Đến nay, tất cả diện tích nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa đều được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Nhờ có vùng trồng lớn, được đánh giá cao về chất lượng (cơm nhãn ráo, vàng dày, hạt nhỏ, mùi thơm, vị ngọt thanh…), đủ điều kiện cho sản phẩm liên kết tiêu thụ với hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản. HTX Khánh Hòa còn nhận được lời mời hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Úc, Hoa Kỳ.
“HTX đang chờ được cấp mã số vùng trồng để tiện cho việc truy xuất nguồn gốc. Có như vậy, sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của địa phương sẽ có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Có thêm được thị trường tiêu thụ, giá cả sẽ ổn định hơn, nông dân trồng nhãn sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất” - ông Thẳng phân tích.
Đến nay, diện tích trồng nhãn xuồng cơm vàng ở xã Khánh Hòa đã tăng lên khoảng 136ha, tập trung nhiều nhất ở ấp Khánh An và Khánh Mỹ, dự kiến mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 600 tấn nhãn.
|
ÁNH NGUYÊN