Mùa xuân đầu tiên ở đô thị loại I

09/02/2021 - 06:42

 - Đây là mùa xuân đầu tiên trên đô thị loại I TP. Long Xuyên (An Giang). Thành quả ấy đến từ sự cố gắng, nỗ lực quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở; sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân thành phố. Tất cả đã phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần tự trọng, chủ động khắc phục mọi khó khăn làm nên những thành tựu rất đáng tự hào.

Vươn tầm cao mới

Đô thị Long Xuyên đạt tiêu chuẩn đô thị loại III và được công nhận là thành phố năm 1999. Sau 10 năm xây dựng và phát triển, TP. Long Xuyên được công nhận là đô thị loại II. Năm 2020, Long Xuyên chính thức được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Qua triển khai Chương trình phát triển đô thị của thành phố, nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư đưa vào sử dụng, như: Trường Đại học An Giang, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, Bệnh viện Đa khoa Long Xuyên và đầu tư, nâng cấp các trường trên địa bàn thành phố đạt chuẩn quốc gia…

Nhiều khu đô thị mới, hiện đại được hình thành: khu đô thị mới Tây sông Hậu, Khu đô thị Sao Mai Bình Khánh 5, Khu đô thị Golden City, Khu dân cư đường Lý Thái Tổ (nối dài)… đã nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của cư dân đô thị.

Các tuyến đường giao thông trọng điểm được nâng cấp, mở rộng đồng bộ, như: đường Lý Thái Tổ (nối dài), đường Ung Văn Khiêm, đường Nguyễn Hoàng; nâng cấp 168 tuyến đường giao thông đô thị; phố đi bộ Hai Bà Trưng – Nguyễn Huệ; đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải… góp phần xóa bỏ tình trạng ngập úng cục bộ do cao độ nền đường thấp, đảm bảo thông suốt, an toàn trong lưu thông, cũng như tạo tính kết nối không gian đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ảnh: THANH HÙNG

Việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã thu hút và hình thành nhiều hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn: siêu thị Mega market, Co.opmart, Điện máy Chợ Lớn, siêu thị Nguyễn Kim, Trung tâm thương mại Vincom Long Xuyên, chợ đầu mối thủy, hải sản (phường Bình Khánh), chợ đầu mối nông sản (phường Mỹ Thới), chợ Cái Sắn (phường Mỹ Thạnh). Các dự án thương mại, dịch vụ làm cho bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng, trở thành điểm nhấn đẹp về kiến trúc và cảnh quan.

Với chủ trương đúng đắn và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, TP. Long Xuyên có những bước phát triển vững chắc về mọi mặt: thu nhập bình quân đầu người đạt 132 triệu đồng/người/năm (bằng 2,26 lần thu nhập bình quân đầu người cả nước). Chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, đặc biệt tỷ trọng thương mại, dịch vụ năm 2020 chiếm đến 80,39% trong nền kinh tế (cao nhất trong hệ thống 12 đô thị tỉnh lỵ của vùng ĐBSCL).

Từ năm 2019, TP. Long Xuyên là địa phương tiên phong của tỉnh An Giang thực hiện tự cân đối ngân sách. 100% gia đình chính sách có nhà ở ổn định, khang trang, đặc biệt là hỗ trợ hàng ngàn nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có 14 khu nhà Đại đoàn kết tập trung với 332 căn và 5 khu nhà công vụ cho 82 cán bộ, công chức, viên chức của TP. Long Xuyên, phường, xã, khóm ấp...; 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch do nhà máy nước cung cấp; đến cuối năm 2019 hoàn thành việc thay thế hệ thống chiếu sáng công cộng hiện hữu bằng đèn Led, 100% tuyến đường và hẻm còn lại đều có hệ thống chiếu sáng công cộng.

Vì mục tiêu “một thành phố bên sông thật sự lý tưởng và đáng sống”

Long Xuyên có lợi thế kết nối thuận lợi với các vùng của quốc gia, quốc tế, nằm trên điểm giao của các tuyến giao thông trọng yếu của vùng ĐBSCL và chỉ cách sân bay quốc tế Cần Thơ khoảng 60km. Thành phố cũng có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế có cảng Mỹ Thới (cảng hoạt động có hiệu quả thứ 2 ở ĐBSCL, có thể tiếp nhận tàu 10.000DWT, đang mở rộng kho bãi nâng công suất cảng lên 3,5 triệu tấn/năm). Du lịch tại địa phương cũng có tiềm năng phát triển, với Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, khu du lịch cù lao Ông Hổ và nhiều di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch sinh thái.

Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã và đang thực hiện nhiều dự án đầu tư bao phủ hết phần diện tích đất còn trống từ sông Hậu đến đường tránh TP. Long Xuyên, như: Khu đô thị mới Tây Nam, New Green City, khu đô thị của các tập đoàn: Sao Mai, FLC, T&T, TMS... với tổng vốn đăng ký đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ góp phần mở rộng không gian đô thị, tạo tiền đề quan trọng cho thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, trở thành đô thị loại I là dấu mốc quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Long Xuyên cũng như cả tỉnh An Giang. Đây là điều kiện thuận lợi để TP. Long Xuyên phát huy sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng đời sống người dân, xứng đáng vai trò là trung tâm tổng hợp của vùng ĐBSCL.

“Tỉnh An Giang nói chung và TP. Long Xuyên nói riêng phải tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương và toàn vùng, gắn với nhu cầu thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Trên cơ sở tái cấu trúc, phải tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng và các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật khác. Tập trung chủ động quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án nông nghiệp, công nghiệp - dịch vụ và đô thị. Chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị gắn với ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị.

Bên cạnh đó, TP. Long Xuyên tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị, xây dựng những khu đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đặc biệt, cần tiếp tục phát huy những mô hình các khu dân cư Đại đoàn kết; quan tâm phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thu nhập thấp, nhà ở công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị, xây dựng TP. Long Xuyên thành một đô thị thông minh, đô thị hiện đại, một đô thị văn hóa, một thành phố bên sông thật sự lý tưởng và đáng sống.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2026) của TP. Long Xuyên đề ra mục tiêu: nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy dân chủ, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; khai thác lợi thế và các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội; tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tạo mọi điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
người dân.


Bài, ảnh: GIA KHÁNH