Mùa Xuân, nhớ lời Bác dạy

23/02/2024 - 07:57

36 năm trước, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ra Nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người đã mang lại sự thức tỉnh, sự giải phóng, sự phát triển, góp phần đem đến mùa Xuân cho nhiều dân tộc, cho hàng triệu triệu con người.

Cuộc đời 79 mùa Xuân của Người có 30 mùa Xuân “tha hương”, cộng thêm 2 mùa Xuân “vừa tha hương”, vừa bị chính quyền của Tưởng Giới Thạch giam giữ, đày ải. Trừ đi những năm tháng ấu thơ, ly hương, Bác Hồ chỉ thực sự được hưởng 30 mùa Xuân trên đất mẹ - chưa được một nửa cuộc đời. Nhưng mùa Xuân luôn mang đến niềm tin tưởng và tinh thần lạc quan cách mạng cho người chiến sĩ cộng sản vĩ đại này.

Mùa Xuân năm 1923, trên đất Pháp, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm kiểm nghiệm cuộc sống, Nguyễn Ái Quốc viết: “Cho đến nay chủ nghĩa tư bản chỉ là những vách tường dày ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và thương yêu nhau”. Mùa Xuân năm sau, Người đến Mátxcơva, tìm thấy bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin. Năm 1925, Người ăn Tết ở Quảng Châu (Trung Quốc), mở lớp huấn luyện chính trị “gieo mầm cách mạng cho Tổ quốc Việt Nam”. Mùa Xuân năm 1930 là một mùa Xuân tươi đẹp, sung sướng nhất của Người, vì “từ nay đã có Đảng lãnh đạo, cách mạng sẽ thành công”.

Xuân 1941, Bác mới được đặt chân trở về giữa lòng Tổ quốc thân yêu sau đúng 30 năm ra đi tìm đường cứu nước. Hành trang theo Bác trở về vẻn vẹn chỉ có chiếc va-ly, đựng 2 bộ quần áo đã cũ và tập tài liệu Con đường giải phóng do Bác phụ trách. Năm ấy, từ hang Pác Bó, một bài thơ Xuân tuyệt đẹp của Bác Hồ đã ra đời: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê-nin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà”. Chỉ hơn 4 năm sau, ngày 2/9/1945, sơn hà của Tổ quốc đã được thu về một mối, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Hồ Chí Minh trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đêm 30 Tết của mùa Xuân độc lập đầu tiên, đúng giao thừa, Nhân dân cả nước nghe đọc thư chúc Tết của Bác Hồ: “Hỡi đồng bào cả nước! Hôm nay là mùng 1 Tết năm Bính Tuất, ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi thay mặt Chính phủ chúc đồng bào năm mới muôn sự tốt lành”. Cuối thư là một bài thơ ngắn: “Trong năm Bính Tuất mới/ Muôn việc đều tiến tới/ Kiến quốc chóng thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi”.

Kể từ mùa Xuân đầu tiên đó, suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến dân, lo cho dân ấm no, hạnh phúc. Thường thì trước Tết 3 tháng, Bác nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác tự mình chuẩn bị tìm ý cho bài thơ mừng năm mới, nhắc văn phòng chuẩn bị thiệp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở vùng rừng núi, hải đảo và cán bộ công tác ở nước ngoài. Trong cuộc đời Bác Hồ có 22 bài thơ chúc Tết đồng bào ta. Trừ bài thơ chúc Tết đầu tiên viết năm 1942 dưới thời Mặt trận Việt Minh, 21 bài thơ còn lại, Bác viết với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”, đăng trên Báo Nhân Dân với bút danh Trần Lực, kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức ngày “Tết trồng cây” trong cả nước. Dần dần, Tết trồng cây trở thành phong tục đẹp, hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa đầu năm. Bác không chỉ nêu rõ giá trị của việc trồng cây gây rừng, mà còn chỉ rõ hậu quả, thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý: “Ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”, “nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán”. Chính vì thế, Bác ví rừng là vàng, căn dặn: “Chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Bác kêu gọi Nhân dân “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng… Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”.

Ngay cả trong "Di chúc", Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở Nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

Bác Hồ cũng thường nhắc nhở rằng, đón Tết, vui Xuân trong ngày đầu năm phải nghĩ đến công việc của cả năm. Bác viết trong bài “Mùa Xuân quyết thắng” trên Báo Nhân Dân, ngày 3/2/1960: “Tục ngữ có câu “Suốt năm kế hoạch, định từ mùa Xuân” (Nhất niên chi kế, thi ư Xuân). Thật đúng như vậy. Mùa Xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui. Cho nên ngay từ đầu mùa Xuân mọi công việc làm được tốt, thì cả năm sẽ phát triển tốt và kết quả tốt”. Từ ngày Tết đầu năm phải lo nghĩ “để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, để Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này”.

Bác Hồ tuy đã đi xa, nhưng người Việt Nam cảm thấy như Bác vẫn ở bên cạnh mình. Và cứ mỗi dịp Xuân về, Nhân dân ta vẫn cảm thấy như có Bác trong ngày Tết ấm áp, vẫn nghe rõ những lời Bác căn dặn: “Hãy mừng Xuân rộng rãi từ gia đình đến cả nước”, “Hãy mừng Xuân vui vẻ tưng bừng nhưng tuyệt đối không lãng phí”.

Mùa Xuân là mùa của đất trời mở đầu chu kỳ một năm; mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, tràn đầy nhựa sống. Mùa Xuân đẹp đẽ, tươi rói báo hiệu sự phát triển. Những giá trị tinh thần vô giá và sức Xuân ấm áp của Bác Hồ kính yêu vẫn mãi là ngọn lửa truyền động lực, niềm tin, khơi dậy khát vọng cống hiến, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Làm theo lời Bác dạy, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân ra sức thi đua yêu nước, tích cực đóng góp xây dựng quê hương đất nước. Người dân Việt Nam đều đồng lòng, hợp sức tạo nên những mùa Xuân tiếp nối bất tận cho trang sử vàng của dân tộc.

T.M