Nâng cao vị thế lúa gạo Việt Nam

27/12/2023 - 07:23

 - Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục về giá bán và kim ngạch sau hơn 40 năm tham gia thị trường thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục định hướng canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tăng trưởng xanh, gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và nông dân trong chuỗi giá trị, nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nông dân phấn khởi

Gắn bó gần cả đời với ruộng đồng, nông dân Lê Văn Nhàn (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành) chưa bao giờ chứng kiến giá lúa liên tục tăng cao và lập đỉnh như năm nay. “Sau dịch bệnh COVID-19, giá lúa luôn duy trì ở mức cao, riêng năm 2023 tăng đột biến. Tôi trồng giống OM18, vụ đông xuân 2023 - 2024 bán lúa tươi tại ruộng được 6.300 đồng/kg, đến vụ hè thu tăng lên 7.000 đồng/kg. Vụ thu đông vừa rồi bán giá 9.100 đồng/kg, những người thu hoạch muộn hơn còn bán được giá 9.500 đồng/kg. Hồi đó giờ mới thấy giá lúa tươi vượt mốc 9.000 đồng/kg. Vụ đông xuân 2023 - 2024, lúa vừa xuống giống được hơn 10 ngày, đã có thương lái đến đòi đặt cọc trước” - ông Nhàn thông tin.

Ký hợp tác triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm nay nông dân trồng lúa “trúng mùa, trúng giá” trọn vẹn. Tổng diện tích xuống giống cả năm 2023 đạt gần 616.200ha, tăng hơn 8.800ha so năm 2022. Nếu vụ đông xuân xuống giống giảm 2.053ha so cùng kỳ (đạt 227.720ha) thì vụ hè thu tăng 6.706ha (đạt 227.761ha) và vụ thu đông tăng 4.319ha (đạt 157.219ha). Không chỉ tăng diện tích, mà năng suất cũng tăng (đạt bình quân 6,6 tấn/ha), sản lượng đạt hơn 4 triệu tấn lúa, tăng 2,9% so năm 2023. Cơ cấu giống lúa chuyển dịch đúng hướng khi nông dân, HTX tăng cường trồng các giống lúa chất lượng cao, như: Đài Thơm, OM18, OM5451, Nàng Hoa, lúa Nhật, Jasmines, nếp...

Gian hàng trưng bày của An Giang tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023

Giá gạo xuất khẩu tăng cao đưa kim ngạch xuất khẩu gạo của An Giang năm 2023 đạt 340 triệu USD, tăng gần 9% so năm 2023. Điểm sáng của xuất khẩu gạo là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Dự báo, triển vọng xuất khẩu gạo năm 2024 tiếp tục thuận lợi khi thị trường Indonesia, Trung Quốc mở cửa trở lại, tăng nhu cầu mua gạo, còn các thị trường Philippines, Malaysia, Australia, Nga, Bangladesh... tiếp tục giữ vững; thị trường EU tăng trưởng.

Những kỷ lục mới

Nếu như cả năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo, kim ngạch 3,7 tỷ USD, thì chỉ trong 10 tháng của năm 2023, các DN đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương đương 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so cùng kỳ. Không chỉ thắng lợi về sản lượng, kim ngạch, mà giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục đứng đầu thế giới, vượt xa gạo cùng loại của Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ.

Phát động 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dựa theo nhu cầu thế giới và lợi thế sản xuất 3 tháng/vụ lúa, Bộ NN&PTNT đã linh hoạt tổ chức vụ hè thu và thu đông 2023, tăng diện tích canh tác ở nơi đủ điều kiện, nhất là tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang... Với 85 - 90% giống lúa cho năng suất và chất lượng cao, sản lượng lúa năm 2023 dự kiến đạt 43 triệu tấn. “Ngoài cung ứng cho thị trường nội địa, chế biến, chăn nuôi, dự trữ, giống, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu khoảng 7,5 - 8 triệu tấn gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới. Riêng năm 2023, dự báo lượng gạo xuất khẩu có thể đạt xấp xỉ 8 triệu tấn” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin.

Theo Bộ Công Thương, với sản lượng xuất khẩu tăng mạnh, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 sẽ lập kỷ lục mới - có thể vượt mốc 4,5 tỷ USD sau hơn 40 năm tham gia thị trường xuất khẩu.

Hướng đến bền vững

Mới đây, khi Indonesia công bố sẽ nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo tấm 5% của Việt Nam đang được xuất khẩu với giá 653 USD/tấn, cao hơn 93 USD/tấn so mặt hàng cùng loại của Thái Lan; cao hơn 90 USD/tấn so gạo Pakistan. Tương tự, Việt Nam cũng đang dẫn đầu về giá bán gạo 25% tấm với 638 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 118 USD/tấn, hơn hàng Paskistan 150 USD/tấn.

Ruộng trình diễn mẫu tham gia đề án

Theo các DN lương thực, trong trường hợp Ấn Độ chưa dỡ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, nhà nhập khẩu lớn (Philippines, Indonesia…) vẫn có nhu cầu gom thêm lương thực, cơ hội bán hàng của DN Việt Nam có thể được “gối đầu” sang năm 2024, dự báo giá xuất khẩu không dưới 650 USD/tấn.

Bản đồ sản xuất lúa tỉnh An Giang

Nhằm nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam, giữa tháng 12 vừa qua, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Lần đầu tiên, Festival lúa gạo Việt Nam được nâng tầm quốc tế (5 lần trước đó tổ chức quy mô trong nước). Sự kiện thu hút hơn 200 chuyên gia, khách quốc tế tham dự.

Dịp này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát động triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng ĐBSCL đến năm 2030. Từ đó, truyền đi thông điệp, cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, đã được Thủ tướng Chính phủ công bố tại Hội nghị COP26. Đồng thời, chuyển đổi tư duy từ “sản xuất lúa gạo” sang tư duy “kinh tế ngành hàng lúa gạo”, hướng đến phát triển ổn định và bền vững.

Nhằm đón đầu cơ hội lúa gạo, năm 2024, An Giang xuống giống 613.949ha lúa (đông xuân, 228.055ha, hè thu 228.750ha, thu đông 153.700ha và vụ mùa 3.444ha). Khoảng 30 DN có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ 430.989ha (đông xuân 144.189ha, hè thu 147.540ha, thu đông 139.260ha).

NGÔ CHUẨN