Nâng giá trị lúa mùa nổi An Giang

29/12/2022 - 06:54

 - Đây là năm đầu tiên, nông dân canh tác lúa mùa nổi ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) vừa trúng mùa, vừa được bao tiêu giá cao. Cũng là năm đầu tiên, lúa mùa nổi được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Đây là những khởi đầu thuận lợi để triển khai giải pháp nâng giá trị lúa mùa nổi.

Canh tác 1 vụ, lợi nhuận bằng 3 vụ

Những năm gần đây, nông dân canh tác lúa cao sản 3 vụ/năm không khỏi lo lắng khi giá phân, thuốc, vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận, dù phải liên tục vất vả trên đồng ruộng. Còn nông dân canh tác 119ha lúa mùa nổi ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà, họ “làm chơi” mà “ăn thiệt”.

Từng nhiều năm canh tác lúa mùa nổi, rồi phải bỏ cây lúa này vì không có đầu ra ổn định, ông Trần Văn Lành (nông dân ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Phước) có lúc chuyển qua canh tác lúa Thần nông 2 vụ, có lúc trồng 1 vụ kiệu hoặc 1 vụ khoai mì. Năm 2022, được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ diện tích lúa mùa nổi với giá 16.000 đồng/kg ngay từ đầu vụ, ông Lành cùng 2 người anh em quyết định tái sản xuất 6,2ha. Lúa được thu mua thông qua Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Phước).

“Ruộng của tôi nằm ở đầu kênh, hứng trọn phù sa khi lũ về, nên lúa phát triển tốt. Sau khi lũ rút, thân cây lúa dài hơn 3m ngã rạp theo nước lũ, nhưng các chồi lúa vươn lên từ mắt cây nặng trĩu bông. Năm nay, nước lũ lên nhanh, tôi chỉ bón thêm ít phân U-rê để cây lúa kịp “phượt” theo con nước. Trong suốt quá trình canh tác, không sạ phân, xịt thuốc gì thêm.

Nhờ nước lớn, cộng với giăng cao su ngăn chuột cắn phá nên năng suất lúa của anh em tôi đạt khoảng 20 giạ/công (tương đương 400kg/1.000m2). Sau khi trừ chi phí (khoảng 1,5 triệu đồng/công), tính ra chúng tôi còn lời khoảng 4 triệu đồng. Những năm trước, làm lúa ngắn ngày, chỉ lời khoảng 1 triệu đồng/công/vụ, trong khi canh tác lúa mùa nổi rất khỏe, nhẹ chi phí. Năm nay, 1 vụ lúa mùa nổi, lợi nhuận bằng 3 vụ lúa thần nông” - ông Lành phân tích.

Không chỉ “làm chơi ăn thiệt” với lúa mùa nổi, nông dân còn tận dụng phù sa, gốc rạ dài để canh tác mì kè. Sau khi thu hoạch mì, nông dân xuống giống lúa mùa nổi, để mặc trời mưa và mùa lũ cho cây lúa tự sinh trưởng, phát triển, lũ rút lại thu hoạch lúa để có cái Tết ấm no.

“Nhờ nước lũ rửa sạch ruộng đồng, cộng với phù sa và gốc rạ phủ dày trên mặt đất, canh tác mì kè vừa nhẹ chi phí, vừa cho năng suất cao. Bình quân 1 công, thu hoạch từ 270-230kg củ mì, sau khi trừ chi phí, tính ra lợi nhuận tương đương với vụ lúa mùa nổi năm nay” - nông dân Nguyễn Văn Tồn (canh tác gần 7ha lúa mùa nổi ở ấp Vĩnh An) thông tin.

Tiềm năng phát triển

Một trong những nỗi lo của nông dân canh tác lúa mùa nổi là khâu thu hoạch. Cây lúa dài, không giống lúa cao sản ngắn ngày, nên lâu nay, lúa mùa nổi chỉ có thể cắt bằng tay, bó lại phơi ngay trên ruộng, suốt rồi mới bán xuống ghe. Trong bối cảnh lao động nông thôn thiếu hụt, chi phí thuê thu hoạch thủ công rất lớn.

Với vụ lúa mùa nổi năm nay, nông dân trút được gánh nặng khi có những “kỹ sư chân đất” nghiên cứu chỉnh dàn răng của máy gặt đập liên hợp, thu hoạch được lúa mùa nổi. Dù tốc độ thu hoạch chậm hơn lúa cao sản bình thường, nhưng 2 máy gặt đập liên hợp hiện tại vẫn thu hoạch khoảng 10ha lúa mùa nổi/ngày (5ha/máy). “Chi phí thu hoạch mỗi công là 350.000 đồng, gồm vận chuyển bao lúa ra bờ kênh, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian rất nhiều so với thuê cắt tay và suốt lúa” - nông dân Trần Văn Lành nhấn mạnh.

Nhờ Tập đoàn Lộc Trời tham gia hợp đồng bao tiêu với giá cố định ngay từ đầu vụ, bài toán đầu ra đối với nông dân trồng lúa mùa nổi được giải quyết. Cộng vụ lúa với vụ màu, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với canh tác lúa ngắn ngày 3 vụ/năm. Đây cũng là lý do mà sau mấy chục năm duy trì mô hình lúa mùa nổi, vùng sản xuất xã Vĩnh Phước và Lương An Trà đạt diện tích cao nhất, lên gần 120ha. Nông dân thấy được hiệu quả do mô hình đem lại, diện tích lâu nay bỏ hoang vào mùa nước sẽ được tận dụng canh tác lúa mùa nổi. Do vậy, diện tích lúa mùa nổi sẽ còn tăng lên.

Khi bài toán kinh tế của mô hình lúa mùa nổi có lối ra, diện tích tăng lên thì câu chuyện không dừng ở chỗ lợi nhuận từ thu hoạch lúa và trồng màu, mà còn tiềm năng phát triển hơn. Mới đây, TS Trần Minh Hải (Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, TP. Hồ Chí Minh) đến tham quan mô hình lúa mùa nổi ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Từ đó, gợi ý cho mô hình “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”.

Hiện nay, giống lúa “Nàng tây đùm” do Trường Đại học An Giang phục tráng đang cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, cần tiếp tục lai tạo, cải tiến để tăng độ thơm, dẻo cho gạo mùa nổi, đáp ứng nhu cầu thị trường. TS Trần Minh Hải đã đến tận ruộng, trao đổi với nông dân để có đề xuất nghiên cứu, tổ chức hội thảo, nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình canh tác lúa mùa nổi. Trong đó, mô hình du lịch sinh thái tái hiện cánh đồng mùa nước nổi, tận dụng ương dưỡng, khai thác nguồn thủy sản tự nhiên mùa lũ trong ruộng lúa, xuất khẩu rơm an toàn, sản xuất nấm rơm sạch với giá trị cao, xây dựng thương hiệu lúa mùa nổi… là gợi ý tăng thêm giá trị cho mô hình này.

NGÔ CHUẨN