Nâng giá trị nông sản

24/03/2023 - 07:12

Với những diện tích canh tác lúa kém hiệu quả, An Giang định hướng chuyển đổi sang vùng trồng rau màu, vườn cây ăn trái hoặc luân canh lúa - rau màu, giúp mang lại giá trị kinh tế cao hơn trên cùng đơn vị diện tích. Đồng thời, mời gọi doanh nghiệp (DN) liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đầu tư nhà máy chế biến, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái

Những năm qua, phong trào chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh An Giang được đẩy mạnh. Giá trái cây tuy có lúc trồi sụt nhưng nhìn chung, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.

Trên cơ sở này, UBND tỉnh định hướng hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung giai đoạn 2021-2025 với diện tích trên 10.000ha, gồm: Xoài, chuối nuôi cấy mô, sầu riêng, nhãn, cây có múi (cam, bưởi, quýt, chanh), tập trung trên địa bàn các huyện Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tỉnh đẩy mạnh sản xuất theo hướng có chứng nhận, khả năng truy xuất nguồn gốc. Trong đó diện tích trong vùng chuyên canh thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm… đạt từ 4.000-5.000ha.

An Giang đề ra chỉ tiêu cấp mới mã số vùng trồng cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái với diện tích trên 4.000ha. Đồng thời, áp dụng các phương thức sản xuất theo hướng công nghệ cao, ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, kỹ thuật sản xuất trái vụ, rải vụ ở cây xoài và các loại cây ăn trái để có nhiều lợi thế trong tiêu thụ; khôi phục và phát triển các loại cây ăn trái đặc thù của địa phương.

Trên cơ sở tái cơ cấu ngành hàng trái cây, An Giang tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn trái; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, tỷ lệ diện tích sản xuất có liên kết tiêu thụ đạt từ 40%. Tỉnh thu hút DN đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản trái cây phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh, cơ cấu lại thị trường tiêu thụ theo hướng phát triển thêm thị trường trong nước thông qua hệ thống chợ đầu mối, phát triển kênh phân phối thông qua sàn giao dịch. An Giang thúc đẩy xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch “Phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025” (theo Quyết định 3302/QĐ-UBND, ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh), Sở NN&PTNT tham mưu rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung các hoạt động nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Xúc tiến đầu ra rau màu

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, tỉnh định hướng xây dựng và phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu chủ lực đến năm 2025 gắn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô xấp xỉ 6.000ha, bao gồm rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, bắp các loại, đậu phộng và khoai cao tại các huyện Chợ Mới, Châu Thành, An Phú… Ngành nông nghiệp tái cơ cấu sản phẩm rau màu theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm qua chế biến và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Đến năm 2025, An Giang nâng diện tích rau màu chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm lên 1.500-1.600ha; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP là 1.600-1.800ha. Đối với vùng trồng rau màu hữu cơ, phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 30ha và thấp nhất 50ha vào năm 2030. Trong khi đó, diện tích được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 3.000ha. Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm rau màu chủ lực và tiềm năng, thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm nông sản khu vực và quốc tế.

An Giang nhân rộng mô hình sản xuất cây giống rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới; cây giống ghép, tự động hóa trong khâu trộn giá thể, lắp giá thể vào khay ươm, gieo hạt tự động... tại các vùng chuyên canh rau, nhằm đảm bảo cây giống đạt tiêu chuẩn với giá thành thấp. Đồng thời, nghiên cứu phát triển giống cây rau màu chủ lực của tỉnh, mở rộng diện tích sản xuất các loại rau, như: Ớt hiểm lai (cây rau gia vị chủ lực xuất khẩu), cà tím, cà chua, khổ qua, mướp, dưa leo, dưa hấu… đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ tươi cho thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt thị trường Campuchia và Trung Quốc.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch “Phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025” (theo Quyết định 3301/QĐ-UBND, ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh), Sở NN&PTNT An Giang sẽ tham mưu bổ sung nội dung, giải pháp phù hợp.

Trong đó, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị chủ lực vùng chuyên canh của tỉnh; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác rau màu có cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “An Giang”. Phấn đấu đến 2025, diện tích rau màu chuyên canh có liên kết theo chuỗi giá trị đạt 10.000-12.000ha; tỷ lệ tiêu thụ theo hợp đồng liên kết đạt trên 50% sản lượng. Tỉnh thu hút đầu tư của DN vào phát triển vùng nguyên liệu, chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

An Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chuyển dịch quản lý vùng trồng theo hướng số hóa, áp dụng hệ thống nhật ký điện tử, kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử.

HOÀNG XUÂN