Nâng tầm thương hiệu cho trái nhãn

03/06/2020 - 05:04

Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm trái cây của địa phương, hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ và sản xuất chuyên canh, những năm gần đây, huyện Châu Phú (An Giang) đã triển khai nhiều dự án, kế hoạch nhằm hỗ trợ tốt cho người nông dân phát triển mô hình trồng nhãn xuồng.

Xây dựng thương hiệu “nhãn xuồng Khánh Hòa”

Xã Khánh Hòa là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất của huyện Châu Phú, nơi đây nhiều nông dân đã gắn bó hàng chục năm với cây nhãn. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng do địa phương đề ra, người dân xã Khánh Hòa đã từng bước mở rộng thêm diện tích trồng nhãn, đến thời điểm hiện nay, toàn xã đã có trên 100ha trồng cây nhãn, trong đó nhãn xuồng cơm vàng chiếm diện tích lớn.

Nguyên nhân nông dân xã Khánh Hòa “mặn mà” với nhãn xuồng cơm vàng, bởi giống nhãn này có chất lượng vượt trội so với các loại nhãn khác, có thịt dày và giòn, được người tiêu dùng ưa thích. Giá nhãn luôn duy trì ở mức từ 60.000-65.000 đồng/kg, vào những thời điểm hút hàng giá nhãn có thể lên đến 70.000-80.000 đồng/kg, lợi nhuận nông dân thu về mỗi năm có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/ha.

Để thay đổi tập quán sản xuất, chuyển từ canh tác theo kiểu truyền thống, hướng đến sản xuất có ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho trái nhãn, UBND xã Khánh Hòa đã thành lập Tổ hợp tác (THT) sản xuất nhãn xuồng Khánh Hòa, với 25 hộ dân canh tác nhãn trên địa bàn xã tham gia. THT đã phối hợp các ngành liên quan tổ chức tập huấn cho nông dân quy trình, kỹ thuật trồng cây nhãn, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất sạch theo đúng hướng dẫn, bảo đảm điều kiện về môi trường, vệ sinh thực phẩm, tháng 8-2019, THT sản xuất nhãn xuồng Khánh Hòa đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang cấp giấy chứng nhận là cơ sở “Đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất sản phẩm” và cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Châu Phú hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn địa phương

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú, nhãn xuồng cơm vàng đang được đưa vào chương trình mỗi xã một sản phẩm. Do đó, để phát triển quy mô sản xuất, hỗ trợ nông dân canh tác nhãn, huyện Châu Phú đã xây dựng và triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống thủy lợi sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao xã Khánh Hòa”, với tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo hướng tập trung và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra hướng đi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của bà con nông dân.

Phát triển giống nhãn Mỹ Đức

Không chỉ là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn thứ 2 của huyện Châu Phú, xã Mỹ Đức còn là cái “nôi” của giống nhãn đặc sản Mỹ Đức trứ danh. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Mỹ Đức hiện nay nhãn chỉ còn lại số ít cây lâu năm và một số cây được trồng mới trong những năm gần đây. Nhiều nông dân trồng nhãn xã Mỹ Đức cho biết, ngày trước xã Mỹ Đức trồng giống nhãn Mỹ Đức này rất nhiều, theo thời gian, cây nhãn “lão”, sản lượng giảm dần nên người dân chặt bỏ, chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng.

Sở dĩ nhãn Mỹ Đức hấp dẫn thực khách vì loại nhãn này có vị ngọt rất thanh, hương thơm lưu lại rất lâu. So với các loại nhãn khác, nhãn Mỹ Đức cho trái to hơn, khi đủ ngày thu hoạch, khoảng 30 - 40 trái đã nặng 1kg. Do số lượng cây nhãn Mỹ Đức hiện còn rất ít, vì vậy trái nhãn ở đây được xem là “đặc sản hiếm”.

“Để duy trì và phát triển nguồn gen của giống nhãn Mỹ Đức, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nhân giống 1.900 cây nhãn Mỹ Đức từ 110 cây nhãn đầu dòng có chất lượng tốt. Đến nay, tỷ lệ sống của các cây nhãn Mỹ Đức được nhân giống đạt hiệu suất rất cao 89,5% và đã cấp phát cho thành viên THT sản xuất nhãn Mỹ Đức chăm sóc” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Lê Trần Minh Hiếu cho biết.

Để phát triển diện tích trồng nhãn tại xã Mỹ Đức, bên cạnh việc tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất, địa phương còn hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho 24 thành viên của THT sản xuất nhãn Mỹ Đức. Gần đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành các bước đánh giá đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với THT sản xuất nhãn Mỹ Đức. Đây là tiền đề để THT sản xuất nhãn Mỹ Đức hướng đến việc đăng ký xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc.

MỸ LINH