Ngành thủy sản phấn đấu đạt tăng trưởng năm 2024

08/08/2024 - 06:44

 - Thủy sản là một trong 3 lĩnh vực thế mạnh đóng góp vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp An Giang (cùng với trồng trọt, chăn nuôi). Trước tình hình xuất khẩu cá tra có dấu hiệu phục hồi, diện tích thả nuôi và sản lượng tăng, ngành thủy sản tăng cường quản lý Nhà nước, hỗ trợ hộ nuôi, doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong những tháng cuối năm để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024.

Sản xuất phục hồi

Từ đầu năm đến nay, dù sự hồi phục từ các thị trường nhập khẩu cá tra còn chậm nhưng tăng so cùng kỳ năm 2023. Nhiều diện tích cá tra tới kỳ thu hoạch, được các nhà máy tập trung mua nguyên liệu size nhỏ (700 - 900gr/con), giá bán thủy sản giống và thủy sản thương phẩm tăng nhẹ so những tháng đầu năm 2024.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng cho biết, trong 6 tháng của năm 2024, diện tích thủy sản thả nuôi đạt khoảng 1.030ha, bằng 101,5% cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi cá tra 780ha, tăng 1,2%; cá khác 232ha, tăng 2,2%; thủy sản khác 19ha, tăng 1%. Riêng sản xuất cá tra giống khoảng 557ha, tăng 1% so cùng kỳ năm 2023. Qua đó, diện tích thu hoạch thủy sản khoảng 985ha (tăng 2%), sản lượng khoảng 378.000 tấn (tăng 7,08%), chủ yếu là cá tra, với diện tích thu hoạch 748ha (tăng 2,1%), sản lượng 338.000 tấn (tăng 7,1%).

Nguyên nhân diện tích nuôi, thu hoạch thủy sản tăng so cùng kỳ năm 2023 do giá bán cá tra và các loại thủy sản khác như: Cá lóc, cá trê, cá nàng hai... có chiều hướng tăng, thời tiết thuận lợi, thủy sản nuôi giảm bệnh. Các cơ sở nuôi sau khi thu hoạch tiếp tục thả nuôi vụ mới. Cùng với tiêu thụ nội địa, cung ứng cho thị trường Campuchia, các DN thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu, chiếm cao nhất là các thị trường Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ...), tiếp theo là Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Colombia, Brazil...), Châu Âu (Nga, Hà Lan, Pháp...), Châu Đại Dương và Châu Phi.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản đã cấp mới và cấp lại giấy xác nhận chủ lực cho 4 cơ sở nuôi cá tra, nâng tổng số giấy xác nhận đến nay là 155 cơ sở. Đồng thời, tiến hành thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm định kỳ cho 9 cơ sở, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 9 cơ sở, nâng tổng số giấy chứng nhận đã cấp, cấp lại đến nay còn hiệu lực là 54 giấy. Cùng với đó, có 15 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đang hoạt động.

Hỗ trợ phát triển

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng cho biết, năm 2024, ngành thủy sản phấn đấu tăng trưởng từ 6 - 7% so năm 2023, với sản lượng thủy sản khoảng 691.000 tấn, trong đó cá tra sản xuất giống hơn 2 tỷ con và 629.000 tấn thương phẩm (diện tích cá tra thu hoạch năm 2024 tăng lên 1.410ha).

Đồng thời, tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng giống cá tra, tăng cường năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm soát vùng nuôi đủ điều kiện xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường Hoa Kỳ. Để đạt kế hoạch này, sản lượng thủy sản 6 tháng cuối năm phải đạt 313.000 tấn (cá tra thương phẩm 291.000 tấn,các loại thủy sản khác khoảng 22.000 tấn).

Để “về đích” năm 2024, ngành thủy sản tập trung phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa; phát triển phương thức sản xuất theo chuỗi liên kết giữa người nuôi với DN, thương lái, vựa thủy sản, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; khai thác giao dịch thương mại điện tử để kết nối các chủ thể là đại diện tổ hợp tác, hợp tác xã, DN thủy sản trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ DN xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích DN tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nhằm đảm bảo chất lượng thủy sản, Chi cục Thủy sản An Giang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 26/2019/NĐ-CP, ngày 8/3/2019 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, trong đó có đăng ký đối tượng nuôi thủy sản chủ lực (cá tra) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp cho ao nuôi thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để giúp người nuôi hạn chế dịch bệnh và hao hụt do thời tiết có nhiều thay đổi khi chuyển mùa mưa.

Ngành thủy sản đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho hộ nuôi áp dụng khoa học - kỹ thuật mới, các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế để năng cao chất lượng sản phẩm nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Cùng với đó, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm cơ sở nuôi thủy sản, đặc biệt cá tra thương phẩm, đảm bảo kiểm soát mối nguy tồn lưu dư lượng kháng sinh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Trong đó, tăng cường kiểm tra các vùng nguyên liệu cá tra xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), đáp ứng yêu cầu theo Quyết định 1802/QĐ-BNN-QLCL và Quyết định 5523/QĐ-BNN-QLCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

An Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển thủy sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc, tiếp tục duy trì áp dụng các tiêu chuẩn: BAP, ASC... trong nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh. Đồng thời, tận dụng ưu đãi, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết để mở rộng thêm thị trường xuất khẩu có giá trị cao

 

HOÀNG XUÂN