Phở vốn là đặc sản của dân tộc Việt Nam nhưng lại được người dân nhiều nước yêu thích. Tùy bút: “Ngày Tết đi ăn…phở” sẽ ghi lại những cảm xúc chung quanh những món ăn đặc sản và tô phở bò ngày Tết.
Mâm cổ thường thấy ngày Tết.
...ngán món ăn ngày Tết
Ngày Tết Nguyên đán thì món ăn mà nhà nào cũng phải có đó là bánh chưng ăn với thịt đông dưa hành ở miền bắc, miền nam thì có bánh tét ăn cùng với thịt kho trứng. củ kiệu. Bữa cơm đầu năm thường có các món như nem chua, chả lụa, giò thủ, gà luộc, khổ qua, thịt kho trứng, rau cuốn bánh tráng, chả giò, tôm khô củ kiệu, dưa hành, dưa món, xôi đậu….Ngẫm lại toàn là những thức ăn rất “truyền thống” đủ màu sắc, hấp dẫn vị giác, ăn vào thì rất ngon, bổ. Chưa kể các món ngọt lựng như các loại chè và đủ loại bánh mứt…
Ngày nay, số loại mứt dùng tết ngày càng gia tăng. Ngoài những loại mứt truyền thống, cổ điển như mứt dừa, mứt bí, người ta có thể nhắc đến một số loại mứt mới phổ biến vài năm gần đây như mứt cà chua, mứt vỏ bưởi, mứt ổi, mứt sơri…Cộng thêm là những loại hạt mà ăn vào chắc chắn sẽ gây “nóng trong người” như hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ, hạt hướng dương và gần đây có nhiều loạt hạt ngoại nhập vào như hạt macca, hạt óc chó… Ngay cả khi dùng tráng miệng những loại trái cây cũng là những loại ngọt lịm và nóng trong người chẳng kém như: dưa hấu, xoài, quýt, mãng cầu, na…
Trong vô vàn thực phẩm ăn ngày Tết mà con người dùng để thỏa nhu cầu thưởng thức và để đãi nhau thì hầu hết đều là những món cung cấp rất nhiều năng lượng. Lẽ thường món gì ngon và bổ thì cũng …nóng (theo đông y) và cũng dễ gây ngán cho người dùng. Khi mà Tết đến thì “đến đâu cũng thấy Tết” qua những món “đặc sản”. Cũng chính nguyên do những món ngày Tết thường gây ngán nên có lẽ con người phải luôn đi tìm tòi, sáng tạo ra những món ăn mới để dùng cho đỡ ngán trong mấy ngày Tết?
Cảnh họp chợ Tết ở thành thị xưa.
Đón tết nay nhớ tết xưa
Ngày xưa, người ta đón tết rất mặn mà và dài lâu. Tập tục xưa của người Việt ở làng quê thì ngày dựng cây nêu tức 23 tháp chạp cho đến ngày hạ nêu tức mùng 7 tết thì mới coi là hết Tết. Tính ra, Tết xưa kia kéo dài cả nửa tháng. Ở thành thị thì Tết ít ra cũng phải kéo dài cả tuần lễ từ 30 tháng chạp đến mùng 7 năm mới.
Ở thành thị đồ ăn, thức uống đều phải trông chờ vào chợ. Mà họp chợ xưa kia vào dịp Tết thì ít nhất cũng phải qua đến mùng 3 Tết. Đó là lý do người xưa phải “trữ” đồ ăn trong 3 ngày Tết vừa để cúng kiếng ngày Tết, vừa để nghỉ ngơi không phải xách giỏ đi chợ như thường ngày trong năm.
Khi thức dậy trong những sáng mùa xuân đầu năm cũng không dễ kiếm được hàng quán bán món ăn sáng thường ngày mà mình thích. Vì đơn giản người bán hàng quán cũng nghỉ ngơi dịp Tết. Thế mới có chuyện gặp nhau dịp tết câu hỏi cửa miệng là: ông (hay bà) khai trương mùng mấy? Không ra được cửa hàng ăn sáng thì đành ở nhà ăn đồ Tết (thường là mâm đồ cúng gia tiên nếu ai có cúng trong 3 ngày tết). Ngán là cái chắc khi đã ăn cả 3 ngày với những món ăn đầy năng lượn. Đến nay, nhiều thay đổi trong tập quán mua bán ngày Tết, nhưng món ăn ngày Tết thì hầu như không thay đổi chỉ bổ sung thêm theo thời gian.
Nhiều chuyện đã khác xưa, ngày nay không chỉ có chợ mà còn còn có siêu thị lớn nhỏ, có chợ chồm hổm, chợ tự phát và kẻ mua người bán không còn phải nghỉ đến hết 3 ngày tết. Thế nhưng, có đi chợ chăn nữa cũng không phải dễ dàng gì khi ở nhà các nội tướng nấu món ăn sáng để tránh cảnh ngán đồ Tết cho gia đình vì 3 ngày Tết còn phải tranh thủ đi chúc Tết, tiếp khách, thăm hỏi người thân trong gia đình và cả đi du xuân, chùa chiền, hay có nhà lập sòng xem vận hên xui của người nhà trong năm mới. Tránh ngán không ăn đồ Tết thì cứ ra quán!
Tô phở bò đầy màu sắc.
Ngày Tết đi ăn…một trong 40 món phải thử trong đời
Nếu đã ngán những món ăn ngày Tết thì chắc chắn thèm lắm một món ăn đơn giản nhưng lại rất kích thích khẩu vị hàng ngày như tô bún bò Huế thơm phức ăn với rau thơm, đĩa bánh cuốn nóng chấm nước mắm pha tỏi ớt hay món phở bò truyền thống của Việt Nam mà có tạp chí nước ngoài đã đưa vào danh sách 40 món ăn ngon của thế giới.
Người Việt thì không phải ăn thử một lần mà ăn cả cuộc đời cái món tưởng đơn giản nhưng lại rất nhiều sự lựa chọn cho người ăn vì trên con bò có bao nhiêu loại xương, thịt thì món phở bò cũng tương ứng bấy nhiêu cách lựa chọn khi ăn.
Nhắc đến món phở bò thì không khỏi làm cho nhiều người thèm. Tô phở nóng còn bốc khói được đem ra với miếng nạm bò, cắt lát nằm trên những sợi bánh phở trắng, hành xanh, nước béo vàng ngậy, rồi bỏ thêm vào rau thơm, rau mùi, thêm chút màu đen, đỏ của tương, vắt thêm miếng chanh. Dùng đũa gắp bánh phở, thịt và ớt trái xắt. Mùi ngọt đậm đà của thịt ứa ra, vị béo thơm ngậy của nước lèo thì chắc chắn kích thích rất nhiều không chỉ vị giác mà cả thị giác của người ăn.
Phở bò đã trở thành món đặc sản của Việt Nam. Cách ăn phở tuy không cầu kỳ nhưng để nấu được tô phở ngon thì lại là một bí quyết riêng của từng người nấu. Quả thật không phải ăn tô phở nào cũng có vị giống nhau. Nó có đặc trưng riêng tùy theo cách nấu của từng quán. Người ăn thì không cầu kỳ nhưng cách ăn thì vô vàn tùy vào mỗi địa phương và đặc biệt tùy thuộc vào mỗi người ăn.
Ăn phở mà không có rau thì cũng như hoa hậu mà không trang điểm! Phở ngon thì phải có rau ngon và chỉ cần một số loại rau riêng để dùng với phở. Mỗi quán có cách chọn rau riêng cho quán mình. Trong số những loại rau: ngò gai, húng quế, húng cây, rau ôm, riêng giá thì cách ăn mỗi người cũng khác nhau. Người không ăn giá, người ăn giá sống, người ăn giá trụng, có người thì kỹ tính hơn phải ăn giá trụng thật…tái (nhúng vô lấy ra liền). Có người ăn phở kêu đập thêm cái hột gà vàng ươm, hay ăn với thịt bò viên, ăn với giò cháo quẩy, với ớt sa tế, có người lại đòi thêm đĩa giá trụng với đầu hành trần...
Nói đến phở bò chắc có lẽ không có món ăn nào lại đa dạng cho ý thích từng người ăn như món phở bò. Người thì thích ăn phở chín, người thì thích phở tái. Rồi lại chia ra tái nạm, tái gân, tái gầu, tái chín, tái bằm, tái béo…Trong phở chín cũng tương tự có chín gầu, chín gân, chín béo, chín nước trong…Người thì ăn được nước béo, người thì kiêng phải ăn phở nước trong. Bí quyết của phở chính là cái thùng nước lèo (có người gọi nước dùng). Vị ngọt, thơm của nước lèo sẽ quyết định tô phở ngon ở mức độ nào. Để có nồi nước lèo tuyệt vời là một nghệ thuật của người nấu.
Hương vị đặc biệt thơm và ngọt đậm đà của nước lèo tạo nên thương hiệu của quán, đó là nhờ từ việc hầm xương ống trong nhiều giờ trộn với các gia vị có mùi đặc trưng như: quế, hồi, thảo quả, đinh hương, hạt mùi, hành tím nướng, gừng nướng…và sá sùng (một loại hải sản quí hiếm làm cho nước phở ngọt đậm đà). Tùy theo quán mà người chủ gia giảm từng thức trên nên mỗi nồi nước lèo nên làm cho vị phở khác nhau không quán nào giống quán nào. Lại có quán không hầm xương ống mà lại hầm bằng sườn non của bò. Vị ngọt cũng không kém hầm bằng xương ống.
Quán phở trên đường Hoàng Sa không trương bảng hiệu, khách lúc nào cũng nườm nượp. Nước lèo nấu bằng sườn non (sụn bò) ngọt không kém xương ống.
Với món phở bò, một điều đặc biệt là người ăn ít bị ngán dù cũng rất ngon, bổ và cũng không mát chút nào. Đó chính là sự hấp dẫn đặc biệt của phở. Món phở bò ngon và hấp dẫn đến nổi có người còn ví chuyện ăn cơm hoài phát chán nên lâu lâu phải đi ăn phở (hiểu theo cả nghĩa đen lẫn bóng) vì vậy mới có câu “Chán cơm thèm phở”.
Trước đây, ở Sài Gòn có nhiềm tiệm phở nổi tiếng, con đường có nhiều tiệm phở nổi tiếng nhất là đường Pastuer. Các quán phở bò ngon ở đây từng có như phở Hòa, phở Ngân, phở Hồng, phở Pastuer…Nhưng đến nay thì chỉ còn mỗi quán phở Hòa, quán vẫn còn giữ lại được hương vị từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, ở các con đường khác cũng có những quán phở nổi tiếng phụ vụ thực khách từng khu vực, như ở Lê Văn Sĩ có phở Phú Vương, ở bờ kè Hoàng Sa có phở Phượng, ở Phan Đăng Lưu có phở Quyền, ở Bạch Đằng có phở Phú Hương, Khu Tân Định có phở Hiền ngay chân cầu Hoàng Hoa Thám (xóm Văn Hiến cũ), Nguyễn Trãi quận 5 có phở Lệ, Lý Thái Tổ quận 10 phở Tàu Bay, Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3 phở Dậu...và còn nhiều quán phở khác nữa. Đây là những quán đã có thâm niên từ vài chục năm trở lên, phở ngon, nỗi tiếng, có quán hiện rất đông khách.
Một tô phở lớn sẽ cung cấp khoảng 400 calo năng lượng,chiếm tới 20% tổng lượng calo mà cơ thể cần được nạp trong một ngày. Chắc chắn phở là loại thức ăn ngon, bổ và “nóng trong người” nếu dùng thường xuyên. Ngày Tết nếu đã ngán các món của Tết thì hãy đi tìm một quán phở ngon để làm một tô phở vừa ăn vừa thổi. Một cách đổi khẩu vị đơn giản mà cũng là thưởng thức món đặc sản nổi tiếng thế giới của dân Việt ta.
Theo VŨ SƠN (VOH)