Nghe khèn, ngắm bạc Lao Xa

31/08/2024 - 09:43

Trên bản đồ du lịch, thôn Lao Xa (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) được ghi dấu là "miền hoa đào nở sớm". Nằm gọn trong thung lũng Sủng Là, thôn nhỏ này được bao bọc bởi núi cao, đá sắc, toát lên vẻ đẹp hoang sơ, yên bình và có phần lặng lẽ.

Một góc thôn Lao Xa (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). (Ảnh LÊ BÍCH)

Một góc thôn Lao Xa (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). (Ảnh LÊ BÍCH)

Du khách vẫn thường nhắc nhau: Nếu lỡ hẹn với mùa hoa cũng đừng tiếc nuối, sự thi vị vẫn còn nguyên đấy, trong nhịp sống thường ngày với vết thời gian in bóng xuống nhà trình tường, với tiếng khèn da diết và thanh âm của bạc trắng rung reng.

Lao Xa có nhịp sống chầm chậm, mộc mạc. Cả thôn có khoảng hơn 100 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông, sinh sống bằng nghề nông. Đồng bào ở đây còn gìn giữ được rất nhiều ngôi nhà trình tường theo lối cổ xưa, kiến trúc ba gian, lợp ngói âm dương, chung quanh có hàng rào đá xám. Giữa khoảng sân và bao quanh vườn thường trồng rất nhiều đào, mận... Khung cảnh ấy là đặc trưng cho cuộc sống người H’Mông trên núi cao, thường mang đến cảm giác vững vàng mà thơ mộng.

Ấm êm nhà cổ...

Theo ông Vàng Mí Hồng - chủ một căn nhà cổ Lao Xa và cũng là homestay đầu tiên của bản, nếp nhà cổ này là nơi sinh sống của ba thế hệ trong gia đình ông, đến nay đã có tuổi đời gần trăm năm, giờ là nơi gia đình đón khách. Xôn xao trong sân nhà, đoàn khách du lịch nước ngoài đã đến từ sớm, thưởng trà, tận hưởng không khí dịu nhẹ, xanh trong khi mùa hè qua đi, nhường chỗ cho thu tới. Miền núi phía bắc vừa trải qua đợt mưa lũ lớn, nhưng khi cuộc sống bình yên đã kịp trở lại, khách du lịch vẫn ngược miền biên viễn, các homestay kín chỗ, khách được xếp ngồi chung với nhau trong gian chính của ngôi nhà cổ.

Bữa cơm của đồng bào đón khách du lịch có cải mèo cay nồng, nhân nhẩn đắng và ngọt hậu; thịt lợn gác bếp, cá suối nướng và mèn mén. Nâng ly rượu ngô men lá trên tay, chủ nhà vừa nói tiếng Việt, vừa nói tiếng Anh giới thiệu, mời các vị khách quý dùng bữa với câu chúc bằng tiếng của đồng bào mình. Sau bữa tối, ông Vàng Mí Hồng lấy cây khèn treo bên vách nhà xuống, giới thiệu về nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Cái hay của khèn H’Mông là vừa thổi, vừa nhảy theo giai điệu réo rắt. Bên bếp lửa bập bùng, không gian trong căn nhà trình tường như ấm áp hơn.

Dân bản say mê thổi khèn, du khách đắm chìm trong giai điệu, thi thoảng vài vị khách nước ngoài ồ lên vì không giấu nổi cảm xúc. Tiếng khèn vừa dứt, căn nhà chợt lặng im phăng phắc trong vẻ sững sờ trước màn tán dương. Người H’Mông quan niệm: Đàn bà, con gái phải biết dệt vải, thêu thùa; đàn ông, con trai phải biết thổi khèn, thổi sáo. Từ khi còn là những cậu bé, con trai H’Mông đã được người lớn dạy thổi khèn. Tiếng khèn là tiếng lòng bật ra những tâm tư giàu cung bậc, cũng là mạch kết nối giữa trần gian và cõi tâm linh.

Giờ đây, ở không gian rộng mở hơn, đón những đoàn khách du lịch, bất cứ lúc nào, người H’Mông cũng có thể thổi khèn, múa khèn như một niềm tự hào bản sắc. Không chỉ biểu diễn, đồng bào ở Lao Xa còn giao lưu với khách thông qua những câu chuyện về dân tộc mình, hướng dẫn khách thổi khèn, múa khèn. Giữa không gian thăm thẳm của núi rừng, từ sáng tới khuya, tiếng khèn cứ vang vọng như niềm khao khát, hoài mong, hy vọng.

Tuy là homestay nhưng nhà cổ Lao Xa vẫn giữ trọn dấu ấn kiến trúc truyền thống và được sắp xếp gọn gàng, phân chia các khu vực cụ thể nhằm mang lại những giây phút lưu trú thoải mái nhất cho du khách. Nơi đây, khách có thể coi như mái nhà thứ hai của mình với căn bếp bập bùng ánh lửa, nông sản mùa nào thức nấy quây quần ấm êm. Từ nhà bước ra vườn là không gian được vây bọc bởi núi cao, đá sắc, những gốc đào, gốc mận sần sùi như vắt kiệt mình để đơm lá, đơm hoa.

Lao Xa hãy còn hoang sơ, trong trẻo lắm, nhưng nhiều người H’Mông đã biết nắm bắt cái mới rất nhanh mà vẫn có ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Ở thôn đã có nhiều nhà làm dịch vụ lưu trú cho khách và hiện đang xây dựng thêm. Họ cũng vận động bà con làm mô hình này, mở thêm các đội hướng dẫn viên bản địa, xe ôm, văn nghệ, ẩm thực… và chăn nuôi lợn, gà, trồng rau để phục vụ khách tốt hơn.

Bà con cũng ý thức rõ phải giữ cảnh quan bản làng sạch đẹp, bảo vệ môi trường nên lập ra các tổ vệ sinh dọn dẹp đường đi lối lại trong bản, trồng cây, trồng hoa. Bây giờ, các thiếu nữ H’Mông đã thoăn thoắt phục vụ, pha chế đồ uống, hỏi han khách một cách tự tin, niềm nở; những người phụ nữ từng mặc cảm vì không biết tiếng Kinh đã mạnh dạn hơn, sẵn sàng giao lưu cùng du khách.

Gìn giữ tinh hoa nghề bạc

Cách nhà ông Vàng Mí Hồng không xa là các gia đình họ Mua làm nghề đúc bạc truyền thống. Nghề này đã tồn tại ở thôn Lao Xa ngót trăm năm. Đồng bào chủ yếu làm trang sức, như: nhẫn, hoa tai, vòng cổ, vòng tay... Bởi lẽ đó, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ H’Mông trong trang phục truyền thống, đeo trang sức bạc đủ hình dáng, gắn thêm chuông, phát ra âm thanh rung reng sau mỗi bước đi. Người làm trong các xưởng nhỏ chủ yếu là anh em ruột trong gia đình, thế hệ trước truyền thế hệ sau.

Bây giờ, nghề đúc bạc đã thêm một số máy móc hỗ trợ, nhưng hơn một nửa công đoạn vẫn được làm thủ công, các họa tiết chạm trổ rất tinh xảo, đối xứng và cuốn hút. Sản phẩm bạc của họ Mua thường nhận được nhiều đơn đặt hàng khắp miền Tây Bắc, chủ yếu để làm trang sức, quà tặng trong lễ cưới các đồng bào dân tộc. Phong tục của người H’Mông, trang sức bằng bạc cũng được dùng trong các dịp lễ, Tết hoặc tặng cho con gái làm của hồi môn khi về nhà chồng.

Ở đây, nổi tiếng nhất phải kể tới gia đình nghệ nhân Mua Sè Sính (73 tuổi), với nghề chạm bạc được lưu truyền qua bảy đời. Ông Mua Sè Sính chia sẻ: Trang sức bạc là một phần quan trọng của đời sống văn hóa, tinh thần của người H’Mông vùng cao nguyên đá. Theo quan niệm xưa, bạc là vật liệu thiêng có thể xua đuổi những điều không may mắn, cũng là hồn vía, tập tục để tưởng nhớ cội nguồn, tổ tiên.

Ông Mua Sè Sính làm nghề đúc bạc khi mới tuổi thiếu niên. Bây giờ, ông vẫn cặm cụi chế tác trang sức và nhiều vật dụng bằng bạc nhưng do tuổi cao và mắt ngày càng kém đi nên cũng không còn làm được nhiều như trước. Điều may mắn là đại gia đình ông luôn giữ gìn, tiếp nối nghề truyền thống. Nhiều năm qua, ông miệt mài, tâm huyết truyền dạy nghề cho con cháu trong gia đình.

Mua Tiểu Bảo (24 tuổi), cháu nội ông Sính, sau vài năm cần mẫn học nghề, nay đã trở thành thợ chính, có thể tự làm ra các sản phẩm mang dấu ấn cá nhân. Anh hồ hởi chia sẻ: Ở bản, các nhà chủ yếu làm nương rẫy, riêng người họ Mua còn có thêm nghề đúc bạc. Đó là niềm tự hào mà dòng họ đã kiên trì gìn giữ. Xưa kia, đồ làm ra chủ yếu để nhà dùng hoặc bán cho bà con trong thôn bản, bây giờ nghề thủ công thật sự mang lại kinh tế ổn định, rất nhiều khách du lịch tìm mua, đặt hàng… nên việc nối nghề là rất cần thiết.

Vừa chuyện trò, Mua Tiểu Bảo vừa giới thiệu cho khách bộ công cụ chế tác bạc, gồm: Bễ thổi, lò nung, nồi nấu bạc, khuôn đúc, búa đập, kìm sắt, các loại dụng cụ cán và bộ đục chạm hoa văn… Nguyên liệu được gia đình tìm mua tại những phiên chợ vùng cao, chủ yếu là đồ bằng bạc lâu năm đã bị hỏng. Bạc sẽ được nấu tan chảy ở nhiệt độ cao bằng chiếc khò. Sau đó đem đổ khuôn, dát mỏng rồi chạm khắc hoa văn. Cuối cùng là công đoạn tu sửa, đánh bóng sản phẩm.

Các nghệ nhân kể, làm bạc là nghề công phu, người thợ cần sự am hiểu về các đặc tính của nguyên liệu bởi mỗi sản phẩm thủ công đều trải qua nhiều công đoạn xử lý cầu kỳ. Giờ đây, nhờ sự hỗ trợ của thiết bị, máy móc đã rút ngắn được thời gian và sức lao động mà vẫn bảo đảm được chất lượng. Nhưng quan trọng hơn, bên cạnh tay nghề, đó là thợ bạc cũng phải có tín ngưỡng, có tâm hồn, yêu cái đẹp thì mới thể hiện được sự tài hoa, bay bổng trong từng đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo, độc đáo.

Căn nhà cổ năm nào được bố ông Sính để lại nay đã trở thành xưởng sản xuất và là nơi đón tiếp khách tới tham quan, mua sắm. Du khách được giới thiệu về sản phẩm và những công đoạn làm bạc, trong đó có chiếc vòng bạc được nghệ nhân hoàn thiện trong mấy tuần, giá vài chục triệu đồng… Những người thợ phấn khởi khoe, số lượng đơn đặt hàng ngày một nhiều, để phục vụ nhu cầu của khách hàng, các sản phẩm còn có thể khắc tên hoặc đặt làm theo yêu cầu... nên đời sống bà con làm nghề này được cải thiện đáng kể.

Bách bộ qua những con đường Lao Xa, du khách thường gặp hình ảnh những em nhỏ đi chân đất nô đùa cùng nhau, những nếp nhà tỏa khói bếp, tiếng khèn H’Mông dặt dìu nương theo gió núi hay những nghệ nhân cần mẫn cúi đầu, khom lưng đúc bạc, chạm bạc trong lò. Khi chiều dần buông dưới những tán cây sừng sững, ẩn tàng sức vóc đại ngàn, vầng mặt trời dịu dần cũng từ từ chìm xuống biển mây, ông Vàng Mí Hồng bắc loa tay gọi khách lưu trú về ăn tối. Xa xa, đoàn du khách nước ngoài đang men theo con đường mòn ven sườn núi, cảnh và người phút chốc như hòa lẫn vào sương và mây.

Nhìn từ trên cao xuống, những ngôi nhà trình tường gam nâu vàng tổ ong như được mẹ thiên nhiên ôm ấp vào lòng, hòa quyện với nét đẹp hoang sơ miền địa đầu Tổ quốc. Ở đây, mọi ưu tư muộn phiền của cuộc sống cũng dần tan biến. Mái ngói âm dương đã nhuốm màu rêu phong, vách tường đất vàng rực sáng chói khi nắng chiếu vào, thoang thoảng là làn khói huyền ảo tỏa ra từ gian bếp.

Những hình ảnh tuyệt đẹp ấy hòa trong tiếng khèn, trong đường nét hoa văn trên bạc trắng, nhấn nhá, chạm sâu vào tâm hồn khách phương xa. Tiếng khèn, điệu múa của các chàng trai, cô gái H’Mông cất lên như suối reo, như gió ngàn giữa thiên nhiên bao la, phóng khoáng đang bừng lên sức sống mạnh mẽ, sự can trường giữa cao nguyên đá mù sương.

Theo MAI LỮ (Nhân dân)