Nhạc sỹ Phó Đức Phương - 'Dòng sông' đã ngừng chảy

20/09/2020 - 14:27

Thông tin nhạc sỹ Phó Đức Phương qua đời khiến cho giới văn nghệ sỹ và những người yêu âm nhạc bàng hoàng, tiếc thương. Ông một tài năng trong làng âm nhạc Việt, người đã cho ra đời rất nhiều nhạc phẩm với những giai điệu mang đậm âm hưởng dân gian, giàu chất trữ tình và thấm đẫm tâm hồn Việt.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Người nhạc sỹ tài hoa

Nhạc sỹ Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hưng Yên. Ông từng là học sinh giỏi Toán và từng là sinh viên khoa Toán của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dù đã học đến năm thứ 3, nhưng ông vẫn quyết định xin nghỉ học để theo đuổi con đường âm nhạc. Năm 1966, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam và bắt đầu dấn thân vào con đường sáng tác.

Trong sự nghiệp âm nhạc, nhạc sỹ Phó Đức Phương đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Có thể kể đến những ca khúc như “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Không thể và có thể”, “Một thoáng Tây hồ”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Về quê”, “Vũ khúc con cò”. “Chảy đi sông ơi”... Các tác phẩm âm nhạc của ông được khán giả ở mọi lứa tuổi yêu thích bởi giai điệu đẹp, dung dị mà hào sảng, ca từ hay, giàu chất thơ và có nhiều tầng ý nghĩa. Đặc biệt, ông thường sử dụng chất liệu dân gian trong các ca khúc của mình một cách tinh tế, làm lay động những tâm hồn Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sỹ đã tạo nên “dòng chảy âm nhạc” dân gian đương đại tại Việt Nam, được nhiều thế hệ nhạc sỹ sau này tiếp nối.

Nhạc sỹ Phó Đức Phương còn được biết đến là một trong những nhạc sỹ viết nhạc nhiều cho các tác phẩm sân khấu và điện ảnh. Có thể kể đến những bộ phim nổi tiếng ông đã viết nhạc như: “Những đứa con”, “Trăng rằm”, “Lưu lạc”, “Giông tố”... Ông cũng viết nhạc cho nhiều vở sân khấu như “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Nguồn sáng trong đời”, “Tôi và chúng ta”, “Nghêu sò ốc hến”, “Thầy khoá làng tôi”, “Rừng trúc”... 

Năm 2001, nhạc sỹ Phó Đức Phương được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Nha Trang thu”, “Trên đỉnh Phù Vân”.  

Ngoài các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, sáng tác nổi tiếng, nhạc sỹ Phó Đức Phương còn được biết đến với vai trò là người đặt nền móng cho việc thực thi bản quyền tác giả âm nhạc ở Việt Nam. Ông là người quyết liệt trong việc lên tiếng bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc cho các nhạc sỹ.

Đó là vào khoảng những năm 2000, khi khái niệm về bản quyền âm nhạc vẫn còn chưa định hình ở Việt Nam, nhạc sỹ Phó Đức Phương nhận thấy tình trạng quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả âm nhạc nói riêng bị xâm hại nghiêm trọng, gây tác hại đến đời sống văn hóa, nghệ thuật, ông đã cùng với một số nhạc sỹ có tâm huyết trong Hội Nhạc sỹ Việt Nam lên tiếng vận động, xin phép để thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Năm 2002, khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam ra đời, ông giữ vị trí Giám đốc Trung tâm và dành nhiều tâm sức cho việc bảo vệ bản quyền âm nhạc. Từ đó đến nay, quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả - chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc Việt Nam được bảo vệ, hàng nghìn nhạc sỹ đã được nhận được tiền tác quyền của các tác phẩm. Có thể nói, việc thực thi bản quyền âm nhạc ở Việt Nam có được như ngày hôm nay có rất nhiều công sức đóng góp của nhạc sỹ Phó Đức Phương trong suốt 18 năm ông làm Giám đốc Trung tâm. Đến năm 2018, ông nghỉ hưu và tập trung cho sáng tác.

Cống hiến hết mình cho âm nhạc

Theo đánh giá của giới trong nghề, các tác phẩm của nhạc sỹ Phó Đức Phương đóng một vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc đương đại Việt Nam. Trong thập niên 90 của thế kỷ 20, nhạc sỹ Phó Đức Phương cùng với các nhạc sỹ Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến trong "bộ tứ sông Hồng" đã viết nên những nốt nhạc đẹp nhất của âm nhạc Việt thời kỳ đó.

Nói về nhạc sỹ Phó Đức Phương, nhạc sỹ, nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long viết: Nhạc sỹ Phó Đức Phương là một nhạc sỹ tài ba, người góp phần tạo diện mạo cho nền âm nhạc đại chúng mang đậm chất Việt. Một nhạc sỹ đa tài, yêu quê hương Việt Nam, yêu vùng quê đồng bằng Bắc Bộ và yêu quê ngoại Kinh Bắc trong từng nốt nhạc, lời ca…

Với nhạc sỹ Trần Lệ Chiến, Phó tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, thì âm nhạc của nhạc sỹ Phó Đức Phương luôn tạo cho người nghe cảm xúc mới lạ. Mỗi tác phẩm mang một phong vị riêng, không lặp lại ngôn ngữ âm nhạc của chính mình. Nếu như: “Những cô gái quan họ” cho người nghe cảm nhận về sự duyên dáng, mượt mà đầy nữ tính và thuần Việt mang đậm nét văn hóa của người phụ nữ vùng quê Kinh Bắc ngoan cường trong bom đạn khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, thì ở những sáng tác càng về sau này, người nghe tiếp nhận được là những câu chuyện hoàn toàn mới mẻ. Ngôn ngữ âm nhạc đa sắc, mang màu sắc âm hưởng của âm nhạc tôn giáo, thoát tục.  

“Mỗi tác phẩm của nhạc sỹ Phó Đức Phương là một câu chuyện kể bằng âm nhạc, mà cách kể của mỗi câu chuyện một khác. Những cốt truyện của ông nhiều khi được bắt nguồn từ vốn cổ, từ những điển tích, điển cố, nhưng tất cả đều có giai điệu, ca từ đắm đuối, chân tình, đưa người nghe tới tận cùng của cảm xúc. Kể cả với những bài được ông sử dụng những cung quãng trúc trắc, đòi hỏi người thể hiện không chỉ ở giọng hát mà còn cả bản lĩnh nghề nghiệp và sự thấu hiểu trong ngôn từ, âm nhạc, mới có thể lột tả được thần thái của tác phẩm… thì sau cùng vẫn cứ cho người nghe một cảm xúc vô cùng đẹp đẽ về âm nhạc”, nhạc sỹ Trần Lệ Chiến chia sẻ.

Trong cuộc sống, nhạc sỹ Phó Đức Phương được mọi người yêu quý, kính trọng không chỉ bởi tài năng, mà còn bởi chính sự khẳng khái, nhân cách và lối sống lạc quan của ông. Những người đã từng gặp gỡ, có dịp làm việc hay trò chuyện với ông, đều có chung cảm nhận về một con người mạnh mẽ và luôn lạc quan.

Khi nói về con người của nhạc sỹ Phó Đức Phương, nhạc sỹ Trần Lệ Chiến nhận định: “Ẩn sâu trong vẻ bề ngoài cương trực và có phần hơi căng cứng, quyết đoán khi xử lý những vấn đề nổi cộm trong công việc, luôn là một tâm hồn nhạy cảm, thật hồn nhiên và vô tư trước cuộc đời. Ông giản dị trong cuộc sống hàng ngày, nhưng lại là cả một kho tư liệu sống về văn hóa, về triết lý nhân sinh quan, thấm đẫm tình người, hồn quê. Và là người sẵn sàng xả thân vì công việc, đúng như câu hát: ‘Sông hiến mình tất cả, đời sông không hề tiếc vơi đầy’ trong ca khúc nổi tiếng ‘Chảy đi sông ơi!’ của ông”.

Những năm tháng cuối đời, nhạc sỹ Phó Đức Phương ấp ủ ý tưởng viết những bản hùng ca ghi lại những trang sử chói lọi của dân tộc. Ông đã cho ra đời một số tác phẩm về chủ đề này như “Bài ca thần chim Lạc”, “Bạch Đằng bản hùng ca sông thiêng”, “Mãi mãi Việt Nam”, “Lời thề sông Hóa” viết về Trần Hưng Đạo và “Hội thề Mê Linh” viết về Hai Bà Trưng… 

Khi nhạc sỹ Trần Lệ Chiến đến thăm ông trong bệnh viện, ông vẫn rất lạc quan nói với người “bạn vong niên” của mình: “Tớ chưa thể ‘đi đâu được’, vì tớ phải hoàn thành sứ mệnh theo ‘lệnh của bề trên’ - đó là một vệt những tác phẩm âm nhạc mà theo tớ là vô cùng quan trọng. Đó là viết về những bậc thánh nhân, tiền nhân, tiên tổ mà tớ, với vai trò là một nhạc sỹ phải đền ơn, đáp nghĩa bằng những tác phẩm âm nhạc như tớ đã từng viết về: Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng và sắp tới sẽ viết về anh linh của các bậc Thánh nhân trong lịch sử Việt Nam như: Quang Trung, Lý Thường Kiệt... tất cả đang dần hình thành và tớ sẽ tiếp tục hóa thân vào từng nhân vật chứ không đứng ngoài ngợi ca”.

Thật tiếc là ông đã không còn thời gian để hoàn thành trọn vẹn giấc mơ của mình. Ông đã từ biệt cõi đời, "dòng sông Phó Đức Phương" đã ngừng chảy, song những sáng tác của ông chắc chắn sẽ vẫn còn “chảy mãi” trong lòng khán giả yêu nhạc Việt.

Theo PHƯƠNG LAN (TTXVN)