Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc “chốt” phương án chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có HĐND và UBND với những đổi mới căn bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu (theo tiêu chuẩn số dân hiện nay thì số đại biểu 3 đặc khu từ 9-10 người); không có thường trực HĐND cũng tổ chức các ban trực thuộc. Trong khi đó, UBND có 1 Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Các cơ quan chuyên môn (dự kiến 7 cơ quan, giảm so với hiện nay) giao thẩm quyền Chủ tịch UBND quyết định tên gọi cho phù hợp.
Đa số ý kiến cũng cho rằng chỉ cần tổ chức chung một Văn phòng giúp việc HĐND, UBND đặc khu để bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời thống nhất với tổ chức bộ máy Văn phòng giúp việc ở chính quyền địa phương cấp huyện trong cả nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Luật dự kiến có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019. Đối với vấn đề chuyển tiếp về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đặc khu, dự thảo Nghị quyết về việc thi hành luật quy định HĐND, UBND các huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hoà), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐND, UBND ở các đặc khu được bầu ra.
Trình tự các bước tiến hành bầu cử đại biểu HĐND đặc khu được thực hiện trên cơ sở áp dụng quy định tại Chương IX của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND và hướng dẫn của UBTVQH. HĐND đặc khu hoạt động cho đến khi HĐND, UBND đặc khu nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu ra.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, việc áp dụng quy định tại Chương IX sẽ chỉ mất khoảng 30 ngày để bầu cử, còn theo quy định phải mất 100 ngày. Thời gian kết thúc của nhiệm kỳ vẫn là năm 2021 để sau đó cùng tiến hành bầu cử toàn quốc.
Nhất trí với quy định trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên cũng là cơ hội để đánh giá lại đội ngũ cán bộ tại đặc khu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, các nhà đầu tư quan tâm nhất chính là môi trường đầu tư, trong đó không chỉ là thủ tục hành chính mà còn liên quan đến trách nhiệm, trình độ và phong cách của người làm việc tại đặc khu. Do đó, 3 tỉnh cần xem xét đội ngũ cán bộ như thế nào.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng – cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật cũng bày tỏ, đội ngũ cán bộ cũng là vấn đề rất lớn. Điều lo lắng chính là khi tăng quyền, phân cấp nhưng có hấp thụ, điều hành và đảm bảo được hay không.
Liên quan đến cán bộ làm việc tại các đặc khu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc kỹ chính sách thuế thu nhập cá nhân. Bởi người làm ở các đặc khu có thu nhập, chế độ cao rồi mà còn miễn thuế thu nhập cá nhân nữa thì không nên, tạo sự không công bằng, thay vào đó có thể giảm trong một thời gian./.
Theo NGỌC THÀNH (VOV)