Nằm ở thôn 2, xã Hải Thái (Gio Linh, Quảng Trị), ngôi nhà của anh Phan Tấn Hoàng cất giữ bộ sưu tập hơn 1.000 hiện vật chiến tranh, trong đó chủ yếu là vỏ bom, mìn...
Ngay khi bước vào, tất cả đã ấn tượng với lớp hàng rào đặc biệt được tạo nên bởi rất nhiều vỏ trái bom cỡ lớn.
Vỏ bom được cố định bằng các trụ móng bê-tông, sừng sững ngay bên con đường liên xã.
Anh Phan Tấn Hoàng cho hay, trước đây, Hải Thái được mệnh danh là "xóm bom" khi người dân sinh sống bằng nghề tìm kiếm, xử lý phế liệu chiến tranh. Khoảnh sân anh đang đứng từng là điểm tập kết của cơ man những vỏ bom, đạn, máy móc, khí tài quân sự thời hậu chiến.
"Khoảng 20 năm trước, gần như hộ gia đình nào ở Hải Thái cũng đi tìm bom, mìn. Chúng tôi sẽ cưa chúng ra, tháo lấy thuốc nổ, kim loại quý để bán. Ngày ấy, nếu không làm thế cũng chẳng biết lấy gì sinh sống", anh Hoàng kể lại. Chung quanh vẫn chất đầy những vỏ bom đủ loại kích cỡ.
Khi thấy nhiều người "mưu sinh trên bom mìn" bị thương tật, thậm chí tử vong, Phan Tấn Hoàng đã quyết định "giải nghệ" vào quãng năm 2003. Cũng từ đó, thay vì mua, bán phế liệu chiến tranh, anh lại bắt đầu lưu giữ chúng như một ẩn ức khôn nguôi về quá khứ.
"Mỗi trái bom, mảnh mìn đều chứa đựng ký ức đau thương một thời của dân Quảng Trị nói chung và người Hải Thái chúng tôi nói riêng. Tôi muốn lưu giữ và trưng bày tất cả để mọi người, đặc biệt là các cháu nhỏ hiểu hơn về nỗi đau mà thế hệ trước đã trải qua", anh Hoàng chia sẻ.
Bên cạnh đó, thông qua bộ sưu tập đặc biệt này, người dân cũng như lũ trẻ sẽ có những công cụ giáo dục trực quan để có ý thức về sự nguy hiểm của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Các hiện vật được phân loại và xếp trên các giá gỗ theo từng nhóm như vũ khí, bom, mìn, quân tư trang...
Với hơn 1.000 hiện vật các loại được sưu tập trong gần 10 năm, trong đó chủ yếu là vỏ bom mìn, "bảo tàng mini" hoàn toàn không thu phí người xem.
Chủ nhân ngôi nhà với hơn 1.000 mảnh bom, đạn trước bộ sưu tập đặc biệt của mình.
Tại xã Linh Trường (Gio Linh, Quảng Trị), một ngôi nhà bom tương tự cũng vừa được hoàn thành đầu năm 2023. Ông Trần Công Chức, chủ nhân công trình chia sẻ: Ngôi nhà làm từ hơn 300 vỏ các loại bom, pháo và hàng ngàn kỷ vật chiến tranh.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vĩnh Linh đỏ lửa, ông Chức thấm thía nỗi đau tận cùng của chiến tranh khi 6 người thân trong gia đình đã mất vì bom, đạn. Ngày hòa bình lập lại, ông đã ấp ủ xây dựng một ngôi nhà từ vỏ bom để nhắc nhớ mình không được quên những đau thương trong quá khứ. Và hàng chục năm sau, “ngôi nhà” ông hằng mong ước mới thực sự thành hình hài.
Những vỏ trái bom được chủ nhân căn nhà tìm kiếm, thu mua trong nhiều năm rồi gia công lại, hóa thành những cây cột trụ, hoặc hàng rào, đồ trang trí bên trong.
Những ngôi nhà bom trên đất lửa Quảng Trị cũng là cách giúp những thế hệ sau biết và hiểu hơn sự kinh hoàng của chiến tranh, sự mất mát của dân tộc Việt Nam. Và, sau gần 50 năm, cuối cùng, những mầm xanh cũng đang vươn chồi trên những mảnh vỡ chiến chinh.
Theo THÀNH ĐẠT - SƠN BÁCH (Nhân dân)