Những người “cha nuôi” mang quân hàm xanh

11/10/2019 - 07:39

 - “Hôm nay đi học phải chú ý nghe giảng bài, ghi chép cẩn thận, nhớ mang sổ liên lạc về nghe con!”. Tận tình, ân cần như một người cha, đại úy Nguyễn Hữu Hàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Long Bình (An Phú) vừa dặn dò, vừa cẩn thận chỉnh sửa lại khăn quàng đỏ, đồng phục học sinh, kiểm tra kỹ sách vở, dụng cụ học tập của em Nguyễn Hữu Duy, là “con nuôi” của đơn vị trước khi tới trường.

Những người “cha nuôi” tận tụy

Hơn 1 tháng nay, thực hiện mô hình “Con nuôi Đồn BP”, ngôi nhà chung ở Đồn BPCK Long Bình tiếp nhận 1 thành viên mới: em Nguyễn Hữu Duy (sinh năm 2005, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Khánh Bình). Duy có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, sống cùng bà ngoại đã già yếu tại ấp Sa Tô (xã Khánh Bình, An Phú). Tại Lễ ra mắt “Con nuôi Đồn BP”, thượng tá Nguyễn Hoài Linh (Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên) thay mặt cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn BPCK Long Bình đã tặng “con nuôi” Nguyễn Hữu Duy 1 chiếc xe đạp và đồ dùng học tập cho năm học mới, trị giá 2,5 triệu đồng. Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của các CBCS, bà Hồ Thị Đẹp (bà ngoại Duy) không giấu được xúc động: “May nhờ có các chú bộ đội biên phòng (BĐBP) nhận cháu tôi làm “con nuôi”. Có mấy chú lo cho cháu, tôi yên tâm lắm, tương lai của cháu tôi trông cậy vào các chú”.

Đồn BP Lạc Quới (Tri Tôn) đã hoàn thiện các thủ tục nhận “con nuôi” đối với em Nguyễn Văn Duy Chương (sinh năm 2013, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lạc Quới), có gia đình đặc biệt khó khăn, cha mẹ ly dị, mẹ đã chết, em sống với bà ngoại già yếu. Thượng tá Nguyễn Nghĩa Thánh (Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên) cho biết: “Sau khi khảo sát, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã làm việc và làm các thủ tục với gia đình, ban ấp, UBND xã về việc nhận “con nuôi”. Sau đó, cấp ủy họp để thống nhất việc nhận “con nuôi”, thành lập và giao nhiệm vụ tổ chăm sóc, nuôi dưỡng “con nuôi” với từng thành viên: phụ trách chung, phụ trách học tập (có năng khiếu về Toán, tiếng Việt, tiếng Anh…), phụ trách theo dõi giúp đỡ cháu trong sinh hoạt hàng ngày. Sau đó, đơn vị báo cáo với Thường trực cấp ủy, UBND cấp huyện trên địa bàn đứng chân về quá trình nhận “con nuôi”. Trong hồ sơ nhận nuôi cháu còn có giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe (Quân y đơn vị thực hiện hàng năm), ảnh chân dung, quyết định nhận “con nuôi” của đồn BP. Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc cháu, đơn vị luôn kết nối gia đình, nhà trường, địa phương và đồn BP để đảm bảo cháu được chăm sóc tốt nhất, không ngừng tiến bộ trong học tập”. 

Em Nguyễn Hữu Duy được cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (An Phú) tận tình hướng dẫn học tập

Còn tại Đồn BPCK quốc tế Tịnh Biên, em Thạch Cô (sinh năm 2009, dân tộc thiểu số Khmer, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học thị trấn Tịnh Biên) dần quen với nhịp sống trong “ngôi nhà mới”- nơi có những “cha nuôi” mang quân hàm xanh luôn tận tình yêu thương, chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, đưa đón tới trường và kèm cặp học bài. Mỗi sáng, Thạch Cô dậy sớm, tập thể dục theo các “cha nuôi”, biết xếp mùng, mền theo phong cách quân nhân. Đại úy Huỳnh Hữu Hòa (Chính trị viên phó) cho biết: “Thạch Cô được chăm sóc rất chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ. Bản thân tôi được giao nhiệm vụ phụ trách chung, luôn lưu ý bộ phận nuôi quân nấu những món ăn bổ dưỡng, phù hợp với cháu. Tới giờ ngủ, khi kiểm tra cháu đã ngủ say, tôi mới đi ngủ. Thạch Cô hiểu bài hơi chậm nên đơn vị đã chọn số CBCS có năng khiếu, học giỏi từng môn để kèm cặp cháu. Mỗi lần CB đơn vị đưa cháu đi học cũng thường xuyên gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm để nắm kết quả học tập và trao đổi phương pháp kèm cặp để cháu tiến bộ”.

Huy động toàn đơn vị

Cũng như chương trình “Nâng bước em đến trường” do lực lượng BĐBP thực hiện trong nhiều năm qua, “Con nuôi Đồn BP” sẽ là mô hình tiếp sức, nuôi dưỡng những ước mơ cho các em học sinh nghèo vùng biên giới. Bước vào năm học mới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang tiếp tục phát động thực hiện mô hình “Con nuôi Đồn BP” theo chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP, trong đó nhận nuôi các cháu là người dân tộc thiểu số Khmer, dân tộc thiểu số Chăm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc các cháu mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa tại khu vực biên giới, để các cháu có nơi ăn ở, được quản lý, giáo dục, được học tập và rèn luyện tại đồn BP.

Đại tá Phạm Văn Phong, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang cho biết: “Hiện nay, toàn đơn vị có 5 đồn BP nhận nuôi 5 cháu học sinh. Đối với các đồn BP không trực tiếp nuôi các cháu, thì các phòng, văn phòng khối cơ quan, Tiểu đoàn huấn luyện - cơ động nhận đỡ đầu ít nhất 2 cháu (mỗi cháu 200.000 đồng/tháng); mỗi đồng chí trong bộ chỉ huy nhận đỡ đầu ít nhất 1 cháu (200.000 đồng/tháng). Chủ trương của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình, mỗi đồn BP sẽ nhận nuôi từ 2-3 cháu tại đơn vị. Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ được lan tỏa trong xã hội, để các cháu học sinh vùng biên sẽ đón nhận thêm nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái, để viết tiếp những ước mơ”.

Năm học 2019-2020 vừa bắt đầu, CBCS BĐBP tỉnh An Giang tiếp tục đồng hành, nâng bước các cháu học sinh tới trường, chắp cánh ước mơ của trẻ em vùng biên giới để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: CHIẾN KHU - HỮU HUYNH