Các nhà văn quân đội (từ trái sang phải): Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Khuất Quang Thụy. Ảnh tư liệu
Tôi có cái may mắn là ngay trong những ngày đầu nhập ngũ đã được đứng trong đội hình của một sư đoàn chủ lực (Sư đoàn 320 - Ðại đoàn Ðồng Bằng). Vào tháng 3 năm 1967, trên vùng đất xứ Ðoài quê tôi đã có một lớp thanh niên mười tám đôi mươi lên đường nhập ngũ, tôi thuộc nhóm học sinh phổ thông cuối cấp đầu tiên được phép nhập ngũ. Nhưng ở thời điểm đó chưa có lệnh tổng động viên cho nên tất cả chúng tôi đều phải viết đơn tình nguyện, được nhà trường và gia đình đồng ý mới được đi dự tuyển vào bộ đội. Khỏi phải nói lứa học sinh đầu tiên ấy khi xếp bút nghiêng lên đường ra trận thì trong lòng đã chứa chất những quyết tâm, những ước mơ, hy vọng như thế nào. Tôi được bổ sung vào đội hình của một sư đoàn chủ lực và chỉ sau mấy tháng huấn luyện chúng tôi đã được lên đường ra mặt trận. Tôi nhớ những câu thơ đầu tiên tôi viết là trong thời điểm này. Trong số đó có những bài thơ về đồng đội mà tôi gặp trên đường hành quân ra trận. Có hai bài thơ trong số đó đã được chọn in trên báo Văn Nghệ là bài Chiếc gương soi bên buồng lái viết về các cô bộ đội lái xe Trường Sơn và bài Qua cầu treo viết về các nữ pháo thủ ở Quảng Trị. Những bài thơ đầu tay này cho tới tận sau ngày đất nước được giải phóng tôi mới có cơ hội để tìm lại và nhìn thấy nó trên tờ báo văn chương hạng nhất của đất nước, mà trước đó tôi chưa bao giờ dám mơ tưởng rằng chữ nghĩa của mình lại có thể được xuất hiện ở diễn đàn này.
Mùa Xuân năm 1968, tôi được cùng đồng đội tham gia những trận đánh đầu tiên mở màn cho Chiến dịch Tết Mậu Thân. Ðó là những trận đánh vô cùng ác liệt, bởi hồi đó đối tượng tác chiến của chúng tôi chủ yếu là quân đội Mỹ với ưu thế về không lực và hỏa lực pháo binh đứng vào hạng nhất thế giới. Những địa danh sau này đã đi vào lịch sử, đi vào thơ ca, nghệ thuật như: Ðầu Mầu, Cù Ðinh Ba Re, Ngã Tư Sòng, Ðồi 241, Tà Cơn, Khe Sanh… đều là những nơi tôi đã đi qua và chiến đấu cùng đồng đội. Hồi đó, trong chiến đấu tôi không thể làm thơ, viết văn, nhưng tôi rất tích cực ghi chép về tất cả những trải nghiệm của mình. Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là cuộc chiến đấu của Trung đoàn chúng tôi (Trung đoàn 64) ở Khu tứ giác, thuộc phía đông mặt trận Ðường 9. Ở vào giai đoạn 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, cái tên Ngã Tư Sòng sau này cả nước đều biết đến trong câu hát Súng reo trên Ngã Tư Sòng. Những trang nhật ký ghi chép của tôi về những ngày chiến đấu đẫm máu ấy sau này được thể hiện cả trong cuốn tiểu thuyết Những bức tường lửa. Nhưng đó là câu chuyện của vài chục năm sau, khi cuộc chiến tranh đã lùi xa, rất xa… Khi chúng tôi đã có đủ cái mà mọi người thường nói là "độ lùi cần thiết" để cho mọi ký ức lắng đọng. Sau này, trong những cuộc thảo luận về văn học sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, nhiều người cũng đã nói đến điều này, ai cũng hiểu rằng, khi ta đang ở trong "một đám cháy" ta có thể cảm nhận được cái rát bỏng, hung dữ của ngọn lửa, sự tàn phá của nó và những đau thương mất mát phải trải qua trước mắt, nhưng khi lùi ra ngoài quan sát, có thời gian suy ngẫm, chúng ta mới hiểu hết được mọi điều.
Trong những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Ðường 9, bạn bè, đồng đội trong đơn vị đều biết tôi là người biết làm thơ, viết văn, họ thúc giục và chờ đợi tôi viết một cái gì đó về cuộc chiến đấu của chúng tôi. Nhưng tôi đã không làm được gì nhiều, thi thoảng cũng có một vài bài thơ, một vài bút ký, ghi chép được viết vội rồi gửi ra miền bắc; cũng có những bài thơ, những bút ký, truyện ngắn của tôi được Ðài Tiếng nói Việt Nam chọn phát sóng trong Chương trình Các tác phẩm từ miền nam gửi ra. Có một đêm nằm trong hầm chốt ở cao điểm Ðộng Mã, tôi bỗng được chính trị viên đại đội chạy tới mang theo chiếc đài Orionton, to như một cái tráp, và kêu lên: "Thụy ơi, đài họ đang ngâm thơ của cậu này". Nhưng rất tiếc tôi chỉ còn kịp nghe được mấy câu cuối cùng trong bài thơ Miền trung mà tôi đã viết trước đó ít lâu.
Năm 1971, sau Chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào, không hiểu nhờ có duyên may nào mà tôi đã được gọi đi dự một trại sáng tác, do Phòng Văn nghệ quân đội - Tổng cục Chính trị tổ chức, được dành riêng cho những cây bút đang chiến đấu tại chiến trường Ðường 9 - Nam Lào và chiến trường Khu 4. Có thể nói, đây là một sự kiện rất quan trọng đối với sự trưởng thành của tôi với tư cách là một người cầm bút và cầm súng.
Với những tư liệu còn đầy ắp trong mình, tôi đã viết rất nhanh thiên ký sự Lửa và thép. Ðó là một ký sự chiến trận thứ thiệt, mô tả trọn vẹn cuộc chiến đấu của Trung đoàn 64 trong trận đánh then chốt, bao vây, tiêu diệt Lữ đoàn Dù 3 của quân đội Sài Gòn, bắt sống tên đại tá Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ và bộ chỉ huy mặt trận của lữ đoàn này. Nhân vật trong thiên ký sự này đều là bạn bè, đồng đội của tôi. Thậm chí có người bạn cùng trường, cùng lớp với tôi, đó là Ðại đội trưởng Ðặng Vũ Hiệp - một người chỉ huy trẻ rất nổi tiếng của Sư đoàn lúc ấy, vào thời điểm ấy. Ký sự Lửa và thép chỉ ít tháng sau được in trọn vẹn trong hai số của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Còn có một kỷ niệm rất đặc biệt về tác phẩm này, đó là vào năm 1972, khi Nhà xuất bản Quân đội sơ tán về gần quê tôi, bác Ðỗ Gia Hựu - Trưởng phòng Văn nghệ của Nhà xuất bản đã mang cuốn sách Cửa Thép, tập sách in chung của tôi và nhà văn Nguyễn Khắc Trường, lần mò tới tận nhà tôi để trao nhuận bút và tặng sách cho bố mẹ tôi. Sự kiện này là cực kỳ lạ trong thời kỳ ấy, mẹ tôi không hiểu chuyện gì, chỉ thấy có sĩ quan quân đội tới nhà mình cùng với một món tiền lúc đó là khá lớn cho gia đình thì rất hoảng sợ. Mẹ tôi đã khóc ngất đi vì bà đinh ninh rằng đó là những người mang tiền tử tuất của Chính phủ và tới báo tin tôi đã hy sinh. Bác Hựu đã phải giải thích rất cặn kẽ một hồi lâu, mang cả tác phẩm của tôi ra đọc cho bố mẹ tôi nghe, lúc đó mẹ tôi mới tạm yên lòng.
Sau Chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào và có lẽ sau những thành công của tôi tại trại sáng tác quân đội, cho nên Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 đã quyết định điều tôi về Phòng Chính trị Sư đoàn 320 để làm việc tại tờ tin Chiến Thắng - một tờ thông tin nội bộ in rô-nê-ô. Ngay sau đó, Sư đoàn được lệnh hành quân vào chiến trường Tây Nguyên, với khẩu hiệu "Ði sâu, đi lâu, đánh to, thắng lớn - đánh đến thắng lợi cuối cùng". Trên cuộc hành quân đường dài này, hành trang của tôi ngoài cây súng còn có một bộ máy in rô-nê-ô để vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên. Ðược trở thành phóng viên - biên tập viên cho một tờ tin nội bộ của Sư đoàn, đối với tôi cũng là một bước tiến lớn trên con đường sử dụng chữ nghĩa để tham gia vào sự nghiệp đánh giặc. Nhiệm vụ của tôi không phải là sáng tác văn chương, mà hằng ngày thu thập tin tức từ các đơn vị, tìm kiếm các gương điển hình để miêu tả những sinh hoạt của bộ đội trên con đường hành quân chiến đấu và trong các trận đánh, chiến dịch. Ở chiến trường xa như Tây Nguyên, không có sách báo thì tờ tin nội bộ của chúng tôi cũng là cái gì đó rất được bộ đội yêu thích. Nhất là khi tôi được Phòng Chính trị cho phép mở thêm những mục như: Thơ chiến sĩ, Tranh vui, Chuyện vui đánh giặc…
Chiến dịch đầu tiên mà Sư đoàn chúng tôi xuất hiện trên chiến trường Tây Nguyên là chiến dịch mở cánh cửa phía tây bắc sông Pô-kô, tạo thế mở màn cho Chiến dịch Kon Tum mùa Xuân 1972. Ðó thật sự là cuộc đụng độ đẫm máu lần thứ hai giữa Sư đoàn chúng tôi và Sư đoàn Dù của quân đội Sài Gòn. Sau thất bại tại Ðường 9 - Nam Lào, với sự hỗ trợ tối đa của quân đội Mỹ, Sư đoàn Dù của quân đội Sài Gòn đã nhanh chóng được khôi phục lại. Khi biết tin Sư đoàn 320 đã vào Tây Nguyên, các tướng lĩnh, chỉ huy Sư đoàn Dù cho rằng đây là cơ hội lớn để rửa mối hận Nam Lào. Chúng đã đổ quân lên chiếm lĩnh một dãy cao điểm phía tây sông Pô-kô và lập các căn cứ kiên cố để ngăn chặn, rồi cho máy bay rải truyền đơn khắp rừng thách thức Sư đoàn 320 đọ súng với chúng trên dãy cao điểm này. Trong những ngày cùng bộ đội ra trận, tôi đã ghi chép rất kỹ càng về chiến dịch này. Những cuộc đối mặt giữa Sư đoàn Dù với Sư đoàn 320 của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng chỉ được tôi "văn chương hóa" trong hai cuốn tiểu thuyết Ðối chiến và Ðỉnh cao hoang vắng vào hơn 30 năm sau khi đã có đủ "độ lùi" để suy ngẫm và tìm hiểu một cách khách quan, thận trọng về những sự kiện này. Những trang ghi chép tại chiến trường đã giúp tôi nuôi nguồn cảm hứng, sự tươi xanh trong cách nhìn của một người trong cuộc.
Nói về những trang văn chương được thai nghén từ chiến trường, tôi cũng không thể không nhắc tới một kỷ niệm rất quan trọng, đó là vào năm 1973 khi Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam có hiệu lực. Lúc đó, trên chiến trường ở những vùng giáp ranh, chúng ta đã có sáng kiến lập những "Nhà hòa hợp" để làm nơi tiếp xúc, gặp gỡ giữa hai bên. Tại chiến trường Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh mặt trận cũng cho phép thành lập những "Nhà hòa hợp" kiểu ấy, trong đó có Sư đoàn chúng tôi, tại Làng Zit gần thị trấn Thanh An, giáp với tuyến phòng ngự Pleiku của quân đội Sài Gòn. Không hiểu vì lý do gì tôi lại là người được Phòng Chính trị Sư đoàn cho phép hằng ngày ra ngồi tại "Nhà hòa hợp" cùng với các cán bộ Ban địch vận tiếp xúc với "phía bên kia". Ðây là quãng thời gian vô cùng quý giá cho tôi, với tư cách một người quan sát cuộc sống để chuẩn bị cho những trang sách. Bởi vì tại đây, tôi được tiếp xúc với các sĩ quan quân đội Sài Gòn khi họ còn đầy đủ tư cách là sĩ quan, chứ không phải chỉ tiếp xúc với họ trong những dịp được trò chuyện với các sĩ quan là tù binh. Có lẽ thế nên tôi đã có cái nhìn về họ một cách toàn diện và khách quan hơn rất nhiều. Ðó cũng là điều làm nên sự khác biệt khi tôi viết về phía bên kia, trong những cuốn tiểu thuyết như: Ðối chiến, Ðỉnh cao hoang vắng.
Từ những trang ghi chép, trải nghiệm trong cuộc sống chiến đấu đến những tác phẩm văn học là một chặng đường dài. Tôi không biết các nhà văn khác sử dụng kinh nghiệm này như thế nào, nhưng với tôi cuộc sống thật là mãi mãi xanh tươi. Tôi hy vọng những trải nghiệm của mình trong những năm ra trận luôn còn tươi mới, để từ đó có thể tiếp tục viết nên những trang sách tươi xanh, trung thực nhất về cuộc chiến đấu của đồng đội và nhân dân mình.
NHÀ VĂN KHUẤT QUANG THỤY
Theo Báo Nhân Dân