Một vườn nho ở Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Cùng với phát triển giống nho ăn tươi, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống nho rượu mới có tiềm năng năng suất và chất lượng cao để đưa vào sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ ngành chế biến, nhằm tạo bước đột phá mới cho thương hiệu nho Ninh Thuận.
Nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống nho rượu mới
Ninh Thuận có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây nho.
Toàn tỉnh hiện có trên 1.200ha nho, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 tấn nho tươi.
Hai giống nho chính đang được sản xuất đại trà bao gồm nho đỏ (Red cardinal) chiếm khoảng 80% diện tích và giống nho xanh NH 01-48; các giống nho rượu chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu các giống nho đang được trồng tại địa phương.
Trong khi đó, nhu cầu nho nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến rượu vang nho trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận rất lớn.
Để khai thác thị trường tiềm năng này, thời gian qua, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao nhiệm vụ lưu giữ vườn tập đoàn quỹ gene với 143 mẫu giống nho.
Qua đánh giá đã chọn lọc được nhiều giống nho rượu có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt với tiềm năng năng suất cao, chất lượng phù hợp với yêu cầu chế biến rượu vang nho để đưa vào sản xuất.
Tiến sỹ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, cho biết tính đến nay, các giống nho rượu mà viện đã chuyển giao vào sản xuất gồm 3 giống; trong đó, 2 giống sản xuất vang đỏ là NH02-90 (nho Syrah), NH02-97 và 1 giống sản xuất vang trắng NH02-37.
Giống nho NH02-90 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất. 2 giống NH02-37 và NH02-97 đang hoàn thiện hồ sơ công bố giống lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt.
Ngoài ra,viện đang khảo nghiệm sản xuất các giống nho rượu NH02-66, NH02-137 và NH02-145.
Qua thực tế sản xuất, các giống nho rượu NH02-90, NH02-37 và NH02-97 đều có phổ thích nghi rộng với nhiều chân đất.
Đặc biệt, giống nho rượu NH02-90 thể hiện nhiều ưu điểm như cây có khả năng chống chịu cao với các đối tượng bệnh hại, thời tiết khô nóng, cho năng suất bình quân đạt 12-16 tấn/ha/vụ, độ Brix khoảng 16-18%, hàm lượng acid citric dao động từ 5-8 g/lít, hàm lượng etanol trong sản phẩm rượu từ 12-14%, rượu có màu đỏ rất đẹp, chất lượng phù hợp cho sản xuất rượu vang, Tiến sỹ Phan Công Kiên cho biết thêm.
Ông Thạch Vũ Vương (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) cho biết gia đình trồng 1ha nho Syrah liên kết sản xuất với công ty chế biến rượu vang nho tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Được viện, các đơn vị tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, gia đình trồng giống nho Syrah theo cọc hàng rào, phương pháp mới này có những ưu điểm như tạo độ thông thoáng cho cây, cây ít sâu bệnh, tiết kiệm phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, giúp trái nho chín nhanh và đều hơn nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch.
Ông Vương chia sẻ chi phí đầu tư ban đầu cho 1 sào nho Syrah khoảng trên 40 triệu đồng, tương đương so với trồng các giống nho khác. Trồng nho rượu không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, tuy nhiên phải tuân thủ kỹ thuật canh tác để đạt sản lượng và chất lượng quả tốt. Vườn nho Syrah cho thu hoạch 3 vụ/năm, sản lượng bình quân khoảng 15 tấn/ha/vụ.
Vườn nho rượu NH02-90 (Syrah) tại Ninh Thuận. (Nguồn: Báo Ninh Thuận)
Nho rượu tùy theo độ Brix (độ ngọt, chỉ số quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các loại rượu vang trong quá trình ủ, lên men) được công ty bao tiêu thu mua với giá tối thiểu 15.000 đồng/kg, nếu hàm lượng độ brix càng cao, trên 18% là tốt nhất thì giá có thể tăng lên 1,5 lần và thậm chí hơn. Lấy giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, vườn nho cho doanh thu khoảng 225 triệu đồng/vụ, giúp kinh tế gia đình phát triển hơn.
Với tiềm năng phát triển kinh tế, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích trồng giống nho Syrah; đồng thời nhiều công ty, nhà máy sản xuất, chế biến rượu vang nho hiện đang đầu tư xây dựng vùng nho rượu nguyên liệu và liên kết sản xuất với các hộ trồng nho tại Ninh Thuận như Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng-Ladofoods, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến-Lâm Đồng... với tổng diện tích trên 40ha.
Phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến
Theo Tiến sỹ Phan Công Kiên, nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác, thời gian tới, viện tiếp tục chuyển giao các giống nho rượu NH02-90, NH02-97 và NH02-37 vào sản xuất thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân tham quan, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.
Cụ thể, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố khuyến cáo quy trình kỹ thuật canh tác tối ưu cho từng giống nho rượu về cách chăm sóc, sử dụng phân bón, quản lý dịch hại, thời gian cắt cành, phân loại nho sau thu hoạch, bảo quản để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.
Đối với các giống đang khảo nghiệm sản xuất, viện tiếp tục theo dõi, đánh giá và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật canh tác để chuyển giao vào sản xuất.
Cùng với nghiên cứu những giống nho rượu mới, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố còn nghiên cứu công nghệ chế biến từ trái nho để tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Hiện, viện đang tiếp tục phối hợp với Viện Công nghệ Thực phẩm (Bộ Công Thương) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến (Lâm Đồng) hoàn thiện quy trình chế biến từ sản phẩm nho rượu Ninh Thuận.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết để nâng cao giá trị sản xuất, năm 2021, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các viện, cơ quan đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, chọn tạo những giống nho mới bao gồm nho ăn tươi và nho rượu có sức đề kháng sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt cung cấp kịp thời cho sản xuất và tiêu dùng.
Hiện nay, bên cạnh cung cấp sản phẩm nho phục vụ ăn tươi, tỉnh tập trung nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, chú trọng đến các sản phẩm chế biến sâu từ quả nho.
Để thực hiện, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương tiếp tục rà soát, lập quy hoạch phát triển cây nho, quy hoạch vùng nguyên liệu trồng nho rượu để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và lâu dài cho sản xuất công nghiệp. Đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực, dự án hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện cho người trồng nho liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia đầu tư, sản xuất nho rượu theo chuỗi giá trị để tạo ra sự liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm./.
Theo NGUYỄN THÀNH (Vietnam+)